Cờ tàn là giai đoạn cuối cùng của ván cờ. Khi cuộc chiến diễn ra trên bàn cờ, lực lượng đôi bên tiêu hao dần và thế cờ được đơn giản, trận đấu đi vào giai đoạn quyết định cuối cùng, đó là tàn cuộc.
Cụ thể còn lại bao nhiêu quân thì chưa có sự nhất trí rõ rệt giữa những nhà nghiên cứu lý luận về cờ, nhưng mặc nhiên người ta cũng thừa nhận mỗi bên chỉ còn 1, 2 quân chiến đấu và vài con Chốt; lực lượng phòng vệ Sĩ, Tượng thì không kể, nhưng thông thường đôi bên cũng bị tổn thất ít nhiều.
Khi sang giai đoạn tàn cuộc, mọi đấu thủ có một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần phải giải quyết là nếu đã có ưu thế về quân số hoặc về thế trận, thì phải cố gắng khai thác ưu thế đó để giành phần thắng.
Nếu đối Phương chiếm ưu thế ấy, thì phải phòng thủ thật vững chắc để đưa ván cờ đến kết thúc hòa. Trong trường hợp thế cờ còn cân bằng, thì phải cố gắng giành ưu thế để rồi chuyển thành thắng lợi.
Tàn cuộc được chia làm 2 loại rõ rệt loại nghệ thuật và loại thực dụng . Mặc dù chúng rất giống nhau nhưng mục tiêu của mỗi loại hoàn toàn khác nhau.
Trước khi đi sâu nghiên cứu những thế cờ cụ thể, tôi xin đưa ra 6 nguyên tắc cơ bản của giai đoạn cờ tàn như sau:
Mục lục
Các quân cần liên kết và phối hợp liên hoàn
Thực ra đây là nguyên tắc tổng quát cần phải được quán triệt trong tất cả các giai đoạn trên ván cờ, nhưng nó đặc biệt quan trọng trong khi chuyển về tàn cuộc. Vì trong tàn cuộc số lượng quân còn lại rất ít, giá trị của mỗi quân đều tăng lên, nhất là khi chúng chiếm được những vị trí tốt.
Đứng linh hoạt và liên hoàn, các quân càng tăng thêm sức mạnh, thuận lợi cho việc tấn công và phòng thủ. Còn đứng ở những chỗ kẹt hoặc tán lạc nhau thì các quân sẽ yếu đi, khó bảo vệ nhau cũng như bảo vệ cho Tướng.
Quân cờ đen không được liên kết với nhau, quân tướng vị phó mặc cho bộ 3 xe, pháo mã, của đối thủ xâu xé. Còn quân tượng chỉ còn một mình khi sĩ cũng đã què không còn nhiều sức phòng thủ với thế tấn công của xe, pháo và mã.
Giữ các quân còn lại trên bàn
Sang giai đoạn cờ tàn, nếu đã chiếm ưu thế, thì nói chung là không nên đổi quân khi chưa chuyển được về thế thắng điển hình, lại càng không nên hy sinh vô lối, kể cả Chốt và Sĩ, Tượng.
Nhưng khi có cơ hội do đối phương sơ hở thì phải mạnh dạn phế bỏ quân để kết thúc ván cờ nhanh chóng hơn. Ngược lại khi kém thế, trong nhiều trường hợp biết hy sinh quân đúng chỗ, đúng lúc có thể chuyển về những thế hòa điển hình.
Cần phòng thủ chắc, phản công nhanh
Nói đúng nguyên tắc này không có gì mâu thuẫn vì kinh nghiệm cho thấy: say sưa tấn công không nhìn lại thế phòng thủ thường sơ hở thường bị đối phương trả đòn dễ thất bại.
Còn lo tự vệ chống đỡ không những nước sai lầm của đối phương để phản công, bỏ lỡ cơ may đảo ngược tình thế.
Chiếm các trục lộ quan trọng
Khi còn ít quân, các trục lộ 4, 5, 6 càng trở nên quan trọng vì đó là những đường dẫn đến việc ưu hiếp Tướng đối phương. Do đó việc chiếm lĩnh các trục lộ này có ý nghĩa quyết định thắng lợi hoặc thủ hòa khi kém thế.
Tuy nhiên không được xem thường các đường ngang và các trục lộ khác, kể cả các đường biên, vì chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều quân nhanh chóng để tấn công hoặc phòng thủ.
Quân đỏ chiếm trục 4 giữ mặt tướng và trục 2 để thuận tiện tấn công.
Sử dụng cả tướng và sĩ trong tấn công
Các giai đoạn trước, Tướng, Sĩ, Tượng thường đóng vai trò thụ động, luôn luôn phải che chở, bảo vệ, (nhất là đối với Tướng). Nhưng trong giai đoạn tàn cuộc, nếu chiếm ưu thế thì cần biết sử dụng chúng như một lực lượng tấn công hoặc hỗ trợ tấn công.
Có nhiều thế cờ, chính nhờ vai trò tích cực của tướng của Sĩ hoặc của Tượng đã quyết định thắng lợi. Tất nhiên nếu thế cờ kém phân hơn thì việc bảo vệ chặt chẽ Tướng, Sĩ, Tượng là một yếu tố quan trọng, đảm bảo dẫn đến thế hòa.
Về cuối ván đấu, còn lại tương đối ít quân tham chiến, do vậy cần tận dụng tối đa các quân có thể tham gia tấn công.
Bảo vệ chốt qua sông
Trong khai cuộc và trung cuộc, nói chung vai trò của Chốt rất khiêm tốn, thường là quân xung kích để triển khai thế trận. Còn sang giai đoạn tàn cuộc, vai trò của Chốt tăng lên rất nhiều và trong nhiều trường hợp nó lại giữ vai trò quyết định thắng lợi hoặc góp phần quyết định thắng lợi.
Đối với bên kém thế nó có khả năng góp phần tạo ra thế hòa hoặc tạo ra khả năng đánh phản đòn. Do đó, cần phải đánh giá đúng mức vai trò của chúng, nhất là khi chúng đã sang sông. Có mấy điểm cần quan tâm đối với Chốt:
– Phải cố gắng yểm trợ 1, 2 Chốt sang sông và khi đã sang sông rồi thì phải tích cực bảo vệ nó.
– Đừng bao giờ hấp tấp tiến Chốt xuống sâu, nếu không được bảo vệ và nếu chưa có kế hoạch tấn công rõ ràng.
– Cần tính toán kỹ khả năng phối hợp giữa các quân với Chốt để kết thúc ván cờ với khả năng sử dụng Chốt là quân xung kích đánh phá hệ thống Sĩ, Tượng để trên cơ sở đó uy hiếp mạnh và giành thắng lợi ở các bước tiếp sau.
Tóm lại, tàn cuộc rất quan trọng. Những ưu thế trong khai cuộc hoặc trung cuộc dù lớn thế nào nhưng khi chuyển sang giai đoạn cờ tàn mà không biết khai thác đề chuyển thành thắng lợi thì coi như hỏng cả.
Nhiều người chơi cờ giỏi có thể không am tường mọi loại khai cuộc nhưng dứt khoát họ rất vững các ” bí quyết ” của mỗi loại tàn cuộc.
0 bình luận