15 thế cờ tướng khai cuộc hay nhất


Đánh Cờ Tướng (Tượng kỳ) được chia thành ba giai đoạn cơ bản: Khai cuộcTrung cuộcTàn cuộc. Mỗi người có quan điểm và nhận xét riêng về từng giai đoạn này. Có người cho rằng quan trọng nhất là Trung cuộc, bởi nó là thời điểm người chơi ra những quyết định mang tính sống còn, những chiến thuật, toan tính được thể hiện.

Tầm quan trọng của khai cuộc

Có người cho Tàn cuộc mới thực là quan trọng (theo “Tàn cuộc sát chiêu“). Bởi không vô lý khi nói “Lạc nước hai Xe đành bỏ phí, gặp thời một Tốt cũng thành công“, nghĩa là cho dù trung cuộc có thế nào, nếu không thuận, cũng vô ích, các quân dù mạnh mà không được dùng đúng, dùng hợp lý thì cũng chỉ là đồ bỏ đi.

Trong khi một quân yếu nhất, nếu có thời cơ và được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, sẽ làm nên chuyện. Nhưng với rất nhiều “Cao thủ“, họ nói rằng khai cuộc mới thực là quan trọng và bạn có thể nhận ra ai là cao nhân chỉ trong 7 nước đi đầu tiên của ván đấu đó.

Mỗi người có một cách chơi khác nhau, lối đánh khác nhau khi chơi cờ Tướng, cũng không có quy định cụ thể hay ranh giới rõ ràng nào cho việc Khai cuộc thế nào là đủ, kéo dài trong bao lâu, bao nhiêu nước. Nhưng theo một số cờ thủ hàng đầu thì 12 – 15 nước cờ đầu tiên được coi là khai cuộc.

Bài viết này mình xin tổng hợp cho các bạn 15 thế cờ tướng khai cuộc thông dụng nhất thường gặp trong thực chiến đỉnh cao của các cờ thủ hiện đại. Những thế cờ được cập nhật mới nhất theo cách triển khai thế trận của những bố cục rõ ràng để mọi người có thể nắm bắt cơ bản.

Chi tiết cụ thể về cách đánh, các cạm bẫy, điểm mạnh, điểm yếu và cách phá giải các thế cờ mình sẽ để link bài viết chi tiết ngay dưới mọi người muốn tham khảo kỹ thế nào có thể bấm vào. Có một vài thế cờ mình chưa viết xong, mong các bạn thông cảm mình sẽ liên tục update các thế cờ đầy đủ nhất.

Thống kê tỷ lệ thắng – hòa của các thế cờ khai cuộc
Tên khai cuộc Thống kê Tỉ lệ (%)
Tiên nhân chỉ lộ (tốt 3 & 7) 59.67
Phi tượng cuộc 55.14
Pháo đầu VS Khai cuộc bất thường 52.13
Ngũ thất pháo VS Bình phong mã 54.72
Khởi mã cục 52.94
Pháo đầu VS Bình phong mã 48.97
Thuận pháo 57.26
Quá cung pháo 54.77
Phi pháo cuộc VS Bình phong mã 51.14
Pháo đầu VS Bình phong mã 51.67
Bán đồ nghịch pháo 54.71
Pháo đầu VS Tam bộ hổ 53.94
Trung pháo VS Bình phong mã 55.64
Sĩ giác pháo 52.32
Pháo đầu VS Phản cung mã 54.89
Ngũ bát pháo VS Bình phong mã 50.75
Ngũ lục pháo VS Phản cung mã 52.35
Pháo đầu hoành xa VS Bình phong mã 54.29
Pháo đầu VS Tả mã bàn hà 48.52
Tuần hà pháo VS Bình phong mã 57.06
Pháo đầu VS Đơn đề mã 54.05
Ngũ thất pháo VS Phản cung mã 52.15
Ngũ lục pháo VS Bình phong mã 52.36
Ngũ bát pháo VS Phản cung mã 54.93
Nghịch Pháo 71.88
Pháo đầu VS Song pháo quá hà 51.23
Tuần hà pháo và Kim câu pháo 54.32
Thượng sĩ cuộc 44.83
Pháo đầu VS Quy bối pháo 51.02
Pháo đầu VS Điệp pháo 68.75
Tấn chốt biên 46.88
Khởi pháo khác 38.46

Phản công Mã

Phản công mã, hay còn gọi là “Phản cung mã”, “Giáp pháo bình phong”, “Bán bích sơn hà”, “Nửa cõi sơn hà”. Trong thế cờ này, hai Mã lên giữ chính diện nhưng có một con Pháo trước đó vào trong. Pháo giữ Mã, Sĩ giữ Pháo, Xe giữ Mã còn lại.
Đây là thế trận cơ bản và thực chiến vì nó linh hoạt, linh động, đối công và tranh tiên quyết liệt. Có thể dễ dàng chuyển đổi thế trận, thế trận liền lạc, các quân đều có căn, quân này bảo vệ quân kia, phòng ngự chặt, phản công nhanh, thuận lợi cho phục kích, du kích chiến, bẫy, bắt chết quân địch, và có những miếng đánh hiểm hóc bất ngờ.
>> chi tiết: Cách khai cuộc phản cung mã

Bình phong Mã

Bình phong mã là thế cờ khai cuộc mà hai mã lên giữ chốt đầu, bảo vệ chặt chẽ trung lộ. Đây được cho là thế trận chống Pháo Đầu tốt nhất và là thế trận ổn định nhất. Trong các giải lớn cấp quốc gia, quốc tế, Bình phong mã đều được dùng với số lượng cao, tỷ lệ cao, nhiều hơn nhiều so với loại khai cuộc khác.
>> Cẩm nang khai cuộc bình phong mã hiện đại

Thuận Pháo

Khi đối thủ vào Pháo Đầu, người chơi cũng vào Pháo Đầu cùng chiều, thì đó gọi là “thuận pháo” hoặc “pháo thuận”. Bên Trung Quốc gọi là “thuận thủ pháo”. Thay vì lên Mã giữ Chốt đầu, thì bên Hậu cũng đưa Pháo vào giữa, dụ đối thủ dùng Pháo ăn Chốt đầu.
Nếu đối thủ ăn Chốt đầu thì vi phạm nguyên tắc “chưa triển khai tất cả các quân thì không nên vội tấn công đơn lẻ”, sẽ mất một nước và xuất binh chậm. Bên Hậu thì lợi được 1 nước lên Mã đuổi Pháo, xuất quân nhanh hơn, tranh tiên, phản tiên, và giành lại một nước.

>> Bí quyết khai cuộc thuận pháo

Nghịch Pháo

Khi đối thủ vào Pháo đầu mình cũng vào Pháo đầu nhưng khác chiều, trái chiều, thì đó gọi là “nghịch pháo” hoặc “pháo nghịch”. Bên Trung Quốc gọi là “liệt thủ pháo”. Đây là thế khai cuộc phổ biến, nhưng thực tiễn cho thấy Thuận pháo ổn định hơn, còn Nghịch pháo thì thường xảy ra đối công rất mãnh liệt, một thắng một thua, một mất một còn, rất ít khi hòa được.
>> Tuyệt chiêu khai cuộc nghịch pháo

Bán đồ nghịch Pháo

Bán đồ nghịch pháo, thay vì vào Pháo nghịch ngay, thì bên Hậu tấn Mã giữ Chốt giữa, sau đó đưa Pháo qua hà (qua sông) phong Xa (đè Xe), rồi mới đem con Pháo kia vào trung tâm. Thế trận này gọi là “Bán đồ nghịch pháo”. Thế trận Nghịch pháo hiện đại này ổn hơn Nghịch pháo truyền thống cổ điển 1 chút, nhưng cũng đối công, đôi co, tranh hùng sát phạt, công phá lẫn nhau rất dữ dội.

Quy Pháo bối

Quy bối pháo hay Pháo lưng rùa, đây cũng là một khai cuộc giang hồ, dân gian, ít kỳ thủ cấp quốc gia hay quốc tế nào chơi. Đưa Pháo xuống cho Xe bảo vệ rồi rình rập ở hàng đó, có tác dụng đuổi Xe rất tốt.


Điểm mạnh của thế trận này là các quân chủ lực cùng được phối hợp để vừa tấn công vừa phòng thủ. Điểm yếu của thế trận này là nước đi quân lập đi lập lại nhiều lần làm mất tính chủ động và các quân cản trở nhau.

Khám phá thêm: Thế khai cuộc quy bối pháo

Thiên phong Pháo

Thiên phong pháo là thế cờ hơi giống Quy bối pháo nhưng khác ở chỗ là Hậu ra Xe ở hàng 4 hoặc 6 xong rồi mới xuống Pháo. Cũng là khai cuộc dân dã, giang hồ, rất ít thấy trong các giải lớn.

Khai cuộc Thiên phong Pháo là kiểu khai cuộc cổ rất ít dùng. Do có nước hoành Xa và thoái Pháo nên vào loại Quy bối Pháo. Nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, biến hóa của Thiên phong Pháo khác nhiều so với Quy bối Pháo nên việc xếp như vậy không thỏa đáng.

Thiết hoạt xa

Thiết hoạt xa là loại khai cuộc mà bên đi Tiên chấp nhận bỏ Mã ngay nước đi đầu tiên (bằng cách đi X1+1 hoặc X9+1), sau đó lợi dụng nước bắt Pháo để giành lấy nước tiên và sở hữu 2 tiên. Có thế công và thế chủ động tốc chiến.

Tuy nhiên đây là lối chơi ăn thua đủ, thắng nhanh mà thua cũng nhanh, không có hòa, và thường là tiên thua vì không đủ bù đắp sự hao hụt về chất, về lực, về quân số. Cho nên thế trận khai cuộc này ít thấy chơi ngoài đời, chỉ tồn tại trên lý thuyết, sách cờ, Internet, và các trận đấu biểu diễn, hiếm thấy trong các giải cờ nghiêm túc.

Uyên ương Pháo

Uyên Ương pháo, hay còn gọi là “Tây Tạng quyền”, là khai cuộc cổ truyền của người Tây Tạng, hay được chơi ở xứ Tây Tạng thần bí. Điểm đặc dị của nó khác với các loại khai cuộc khác là nó không ra Xe giữ Pháo, và nó lên Xe 2 bước để giữ Pháo, để rồi tìm cách hạ còn Pháo bên kia xuống 1 bước rồi mưu đồ chuyển 2 con Pháo sang 1 phía vừa thủ kỹ vừa đuổi Xe trở vào, hoặc ko cho Xe bên Tiên xuất ra.

Khai cuộc này nửa giang hồ, nửa chuyên môn. Thỉnh thoảng cũng được dùng trong các giải cao cấp, cấp quốc gia, cấp quốc tế, nhưng không thường xuyên, không nhiều..
>> Học khai cuộc uyên ương pháo

Đơn đề mã

Đơn đề mã là thế cờ khai cuộc mà một mã lên giữ chốt đầu, mã còn lại nhảy ra biên. Đây cũng là một thế trận được những người chơi cờ trung bình khá chơi nhiều do gần như các quân cờ đều có sự liên thủ chặt chẽ với nhau.
Trong các giải lớn cấp quốc gia, quốc tế, đơn đề mã ít được dùng so với loại khai cuộc khác. Tùy theo việc nhảy mã nào ra biên mà người ta phân ra là Tả đơn đề mã và Hữu đơn đề mã. Thế trận này thường được bên hậu sử dụng để chống lại mọi thế trận của bên tiên thậm chí là nó chống nó, thế ra quân tương đối mạnh của trận thế này gọi là Thiết đơn đề mã.

Xuyên cung mã

Xuyên cung mã hay còn gọi là “Tượng triều xuyên cung mã”, “Mã giáp sĩ” hay “Mã quỳ”. Thế cờ này thì hình dung như sau: trước là lên tượng, sau đó nhãy mã cùng phía tượng lên khóa chân tượng lại không cho thoái về.
Nếu trường hợp đến đây mà đi tiếp nước chống sĩ thì trận thế này sẽ được gọi là “Biệt cước mã”. Đây là thế trận cũng rất phổ thông, gần như đi đâu cũng thấy người chơi cờ sử dụng, thường được bên đi hậu sử dụng vì thế trận này ẩn chứa nhiều cạm bẫy có thể phản đòn mạnh mẽ nếu bên tiên đi thiếu chính xác.

Ngọa tâm pháo

Nó còn được gọi với tên khác là “Tọa tâm pháo”, “Hoa tâm pháo” hay “Sáo tâm pháo”. Thế cờ này thì hình dung như sau: đầu tiên vào pháo đầu, sau đó con pháo này thối 1, rồi tiếp đến bình con pháo còn lại vào đầu luôn.
Thế trận này tính công sát rất dữ do sau đó bên đi thế trận này sẽ tiếp tục lên chính mã, rồi dùng 2 mã tấn lên xông đội đánh thẳng vào tuyến giữa đối thủ. Những kỳ thủ yếu có thể sẽ bị hạ đo ván bởi thế trận này trong vòng 30 nước. Tuy nhiên, do vì quá tập trung vào tuyến giữa nên việc phòng thủ ở 2 cánh trở nên yếu đi nên thế trận này cũng ít được sử dụng.

Tiên nhân chỉ lộ

Tạm dịch thế trận này là tiên ông chỉ đường, nó còn được gọi bằng các tên khác là “Thế tiến binh” hay “Thế khởi binh”. Thế trận này khi đi nước đầu tiên thì sẽ tấn chốt trước chứ không đi các quân mạnh khác như xe, pháo, mã.
Tốt được chọn để tấn thường là chốt 3 hoặc 7 chứ ít khi chọn chốt 1, 5 hay 9 vì tấn chốt 3 hoặc 7 sẽ tạo ra nhiều biến hóa hơn các vị trí chốt khác. Nếu bên tiên nước đầu tiến chốt số thứ tự nào và bên hậu cũng tiến chốt số thứ tự nấy, ví dụ như bên tiên tiến chốt 3, bên hậu cũng tiến chốt 3 thì trận này được gọi là Đối binh cuộc.
>> Cách đánh tiên nhân chỉ lộ trong cờ tướng khai cuộc

Quá cung pháo

Thế trận này còn được gọi là Pháo qua cung. Thế trận này được hình thành khi 2 pháo ở cùng 1 bên, tức là pháo 2 bình sang lộ 6 gần pháo lộ 8 hoặc pháo 8 bình sang lộ 4 gần pháo lộ 2. Thế trận này mang tính phòng thủ cao, thường thấy sử dụng ở những người lớn tuổi. Nếu sử dụng không tốt có khả năng dẫn đến kẹt cờ. Thế trận này cũng được sử dụng khi thi đấu, nó sẽ không có vấn đề gì nếu cầm quân đi tiên, còn nếu cầm quân đi hậu sẽ gặp chút khó khăn khi bên tiên đi pháo đầu.
>> Các đánh quá cung pháo nâng cao

Phi tượng cuộc

Thế trận này còn được gọi là Thượng tượng cuộc. Thế trận này khi đi nước đầu tiên thì sẽ lên tượng (dĩ nhiên là tượng 3 hoặc 7 tấn 5 chứ đừng ai tấn ra biên nhé). Người sử dụng thế trận này phải có công phu trung tàn cao mới sử dụng được tốt. Nó mang phong cách phòng thủ phản công.
>> Phi tượng cục bách biến
Chúc các bạn thành công!
Hắc Phong

Hắc Phong hay còn gọi là (Hắc Phong Song Sát), đã từng lừng danh chốn giang hồ đã mai danh ẩn tính. Nay trở lại cờ tướng Ziga với ý định chia sẻ lại chút kiến thức và kinh nghiệm nhỏ nhoi trong nghề cờ vốn bạc bẽo nhưng đầy hấp dẫn này.

Có thể bạn cũng thích

0 bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem thêm từ: Kinh nghiệm chơi cờ tướng

Đừng bỏ lỡ