Tứ đại Thiên Vương kỳ đàn Trung Hoa, ai mới là Vương?


Tứ đại Thiên Vương kỳ đàn Trung Hoa những năm 1980, ai mới là Vương Trung Vương thực sự?

Tứ đại thiên vương từ đâu mà ra?

Những người hâm mộ Tượng Kỳ có thâm niên đều biết rằng vào những năm 1930, sở giáo dục tỉnh Quảng Đông đã tổ chức giải tượng kỳ cá nhân cấp tỉnh, một trong những giải tượng kỳ lớn nhất vào thời đó. Sau nhiều trận đấu liên tiếp diễn ra giữa khắp các cao thủ, danh thủ Hoàng Tùng Hiên đã giành chức vô địch với màn trình diễn xuất sắc của mình.

Á quân là Lô Huy, xếp sau lần lượt là Phùng Kính Như ở vị trí quý quân và Lí Khánh Toàn về đích ở vị trí điện quân. Bốn vị danh thủ này lần lượt xếp đầu tại giải nên được người hâm mộ khi ấy xưng tựng là “Tứ đại Thiên Vương” của kỳ đàn Quảng Đông. Dưới sự dẫn dắt của Tứ Đại Thiên Vương, sự phát triển của làng cờ Quảng Đông ngày càng thịnh vượng, trở thành đơn vị hàng đầu trong cả nước. Từ đó, giai thoại về Tứ đại Thiên Vương thường được dùng rộng rãi khi nói về những bậc danh thủ hàng đầu, thống lĩnh cả một phương.

Tượng kỳ phát triển vượt bậc

Trong thế giới tượng kỳ những năm 1980, Liễu Đại Hoa, Lý Lai Quần cùng với Lữ Khâm lần lượt nổi lên trở thành những bậc Kỳ Vương thời đại mới, thế giới tượng kỳ cũng chuyển từ tình thế do Hồ Vinh Hoa thống trị sang thế cục phân tranh với nhiều bậc anh hùng tài năng xuất chúng.

Bởi vì cả 4 vị Hồ Vinh Hoa, Liễu Đại Hoa, Lý Lai Quần và Lữ Khâm gần như đã thống trị làng cờ Trung Hoa trong thập niên 80 nên bọn họ được xem như là Tứ đại Thiên Vương thế hệ mới. Dưới sự thống trị mạnh mẽ của Tứ đại Thiên Vương, những tên tuổi lẫy lừng một thời như: Vương Gia Lương, Thái Phúc Như, Dương Quang Lân…cùng hàng loạt danh thủ thế hệ khai thiên lập quốc biết rằng họ không còn đủ sức cạnh tranh nữa, điều phải nói lời tạm biệt đấu trường đỉnh cao một cách buồn bã…

Thế giới tượng kỳ những năm 80 của thế kỉ trước chắc chắn rất đẹp và đáng ghi nhớ, suy cho cùng đó là thời đại phân tranh của những anh hùng thế hệ mới. Họ vừa kế thừa những tinh hoa của thế hệ cũ, vừa tiếp nhận sự đổi mới từ thế giới bên ngoài. Thời đại phân tranh nên không có ai là bá chủ tuyệt đối, có nghĩa là bất cứ ai cũng đều có cơ hội vô địch quốc gia, trở thành Kỳ Vương. Điều này rất có lợi cho việc huy động nhiệt huyết của đông đảo người chơi cờ, tạo nên sự phát triển và quảng bá rất nhanh tượng kỳ tới mọi nơi.

Ai mới là Vương trong cờ tướng?

Chúng ta hãy cùng nhìn lại thời đại “Thập liên bá” của Hồ Vinh Hoa, thời đại Lĩnh Nam song hùng Lữ – Hứa hay thời đại thống trị gần đây của Vương Thiên Nhất để thấy rằng trong kỳ đàn đã có quá nhiều danh thủ đầy tài năng, bản lĩnh nhưng lại thiếu may mắn để tranh đoạt chức vô địch như Vương Gia Lương, Thái Phúc Như, Vương Bân hay Mạnh Thần.

Kiểu phát triển này nhìn chung là không thuận lợi cho sự phổ biến của tượng kỳ, không thôi thúc được khát khao vô địch của những anh hùng mới nổi. Thế giới tượng kỳ những năm 1980 còn được gọi là thời kỳ “Hậu Hồ Vinh Hoa”, điều này cho thấy rằng ngay cả sau thời kỳ đỉnh cao 20 năm vào những năm 1960 và 1970, kỹ năng chơi cờ của thiên tài Hồ Vinh Hoa vẫn có thể kiềm chế được Lữ Khâm, Lý Lai Quần và Liễu Đại Hoa.

Vì vậy Hồ Vinh Hoa có thể coi là người đầu tiên trong số bốn vị Thiên Vương mới. Muốn đánh giá ai mới là Vua thật sự trong những vị Vua thì phải nhìn nhận qua nhiều khía cạnh như: tuổi tác, kinh nghiệm học cờ, thành tích, điểm số, khả năng trau dồi cũng như sự đóng góp và tầm ảnh hưởng đối với sự phát triển của tượng kỳ ở trong nước và ngoài nước.

Xét về tuổi tác và kinh nghiệm học cờ

Đầu tiên hãy nói về tuổi tác và kinh nghiệm học cờ. Xét về tuổi tác, Hồ Vinh Hoa sinh năm 1945 đương nhiên là lớn tuổi nhất. Liễu Đại Hoa sinh năm 1950 đứng thứ hai, Lí Lai Quần sinh năm 1959 đứng thứ ba còn Lữ Khâm sinh năm 1962 sẽ là em út. Cụ thể hơn, Hồ Vinh Hoa cùng Liễu Đại Hoa là những người sinh ra cùng thời đại trước, trong khi đó Lí Lai Quần cùng thời với Lữ Khâm sau này.

Mặc dù gặp bất lợi về tuổi tác nhất, nhưng Hồ Vinh Hoa vẫn đủ sức kiềm chế các vị kỳ vương mới trong thời đại này cho thấy được thời kỳ đỉnh cao của Hồ Vinh Hoa rất lâu, trình độ và tài năng của ông rất cao! Liễu Đại Hoa vô địch quốc gia vào năm 1980, phá vỡ được sự thống trị của Hồ Vinh Hoa.

Tiếp đó vào năm 1981, ông lại tiếp tục vô địch toàn quốc đồng thời cũng hai lần giành chức vô địch Ngũ Dương Bôi – giải đấu tượng kỳ quán quân toàn quốc. Tuy nhiên, với sự vươn lên mạnh mẽ của bộ đôi Lý Lai Quần và Lữ Khâm, Liễu Đại Hoa đã không còn giành thêm được chức quán quân nào nữa, điều này chứng tỏ kỳ lực của Liễu đại sư đã bị hai hậu bối vượt qua.

Liễu Đại Hoa thất thế hơn Lý Lai Quần và Lữ Khâm vào những năm 1980 một phần là dựa vào kinh nghiệm chơi cờ của ông khi không được bất cứ danh sư nổi tiếng nào chỉ dẫn, chủ yếu tự học là chính. Không được chỉ dẫn bởi các danh sư, Liễu Đại Hoa phải tự học hỏi, tốn nhiều thời gian và đường vòng hơn so với Lý Lai Quần và Lữ Khâm vốn được các cao thủ hàng đẩu chỉ điểm. Lữ Khâm và Lý Lai Quần đã giành chức vô địch quốc gia khi mới đôi mươi, trong khi Liễu Đại Hoa phải tới năm ba mươi tuổi mới đăng quang, khoảng cách là khá rõ ràng.

Trong Tứ Thiên Vương, cả Hồ Vinh Hoa, Lý Lai Quần và Lữ Khâm đều không chỉ được một người thầy giỏi dạy dỗ mà còn được rất nhiều ân sư chỉ bảo, Liễu Đại Hoa yếu hơn ba người bọn là một chút là chuyện thường tình nếu như chúng ta có tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời ông.

Ngoài ra, Hồ Vinh Hoa là người Thượng Hải, Lữ Khâm là người Quảng Đông, đều là những trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Vào thời điểm đó, ở những trung tâm kinh tế lớn thì bầu không khí cũng như trình độ chơi cờ phát triển hơn các vùng còn lại là điều hiển nhiên. Về điểm này, Liễu Đại Hoa cũng thiệt hơn bọn họ.

Xét về thành tích thi đấu

Xét về thành tích, rõ ràng Hồ Vinh Hoa và Lữ Khâm có thành tích tốt nhất. Hồ Vinh Hoa đã giành được kỉ lục 14 chức vô địch quốc gia cùng với 6 chức vô địch cúp Ngũ Dương. Lữ Khâm giành được 5 chức vô địch quốc gia và 11 chức vô địch Ngũ Dương. Đó điều là những chiếc cúp danh giá nhất trong làng cờ.

Ngoài ra, Lữ Khâm còn từng rất nhiều lần đứng á quân các giải đấu đó, 5 lần vô địch thế giới, điều mà cả ba người còn lại chưa ai từng làm được! Lý Lai Quần dù từ giã nghiệp cờ rất sớm cũng đã từng 4 lần vô địch quốc gia, 1 lần vô địch cúp Ngũ Dương. Nếu xét về thành tích thì Lữ Khâm thật sự rất đáng sợ khi giành được gần như mọi danh hiệu cao quý nhất mà một kỳ thủ có thể đạt được! Xếp theo sau sẽ là Hồ Vinh Hoa, Liễu Đại Hoa và Lý Lai Quần tạm gọi là ngang nhau nhưng khoảng cách giữa họ với Hồ và Lữ là rất hiển nhiên.

Về so sánh xếp hạng, Lữ Khâm đã 25 năm liên tiếp không rời khỏi top 3 toàn quốc, 7 năm liền đứng đầu bảng xếp hạng. Hồ Vinh Hoa nếu xếp hạng từ năm 1960 thì thời gian trị vì sẽ không hề thua kém Lữ Khâm, còn nếu xếp hạng từ năm 1982 thì Hồ đại sư cũng sẽ 9 năm liên tiếp dẫn đầu bảng anh hùng.

Với elo từng đạt đến mức kỉ lục 2690, gần vượt cột mốc 2700, tổng quang Hồ Vinh Hoa vượt trội hơn cả Lữ Khâm. Về điểm này, Liễu Đại Hoa cùng Lý Lai Quần rõ ràng kém xa, hai người bọn họ đều khó để duy trì điểm số trong tốp 3 chứ chưa nói việc dẫn đầu bảng xếp hạng.
Khi nói đến việc huấn luyện, đào tạo nhân tài, thành tích của Tứ Thiên Vương cũng có sự khác biệt.

Nhìn chung, ở khía cạnh này thì Hồ Vinh Hoa và Liễu Đại Hoa nổi bật hơn hai người còn lại. Hồ Vinh Hoa đã huấn luyện hai nhà vô địch quốc gia nam là Tạ Tịnh và Tôn Dũng Chinh, cùng với các đại kiện tướng nam như Vạn Xuân Lâm. Về nữ kỳ thủ, Hồ Vinh Hoa đã đào tạo đại sư Đan Hà Lệ, một nhà vô địch quốc gia nhiều năm. Có thể nói, về cả vai trò kỳ thủ lẫn huấn luyện viên, Hồ Vinh Hoa đều rất thành công rực rỡ.

Thành tích huấn luyện của Liễu Đại Hoa cũng rất đáng chú ý, ông đã huấn luyện hai nhà vô địch quốc gia nam là Hồng Trí và Uông Dương, mặc dù có người nói Hồng Trí là học trò của Đào Hán Minh nhưng ít nhất thì Hồng Trí cũng đã từng học cùng Liễu Đại Hoa trong vài năm nên có thể coi như là đệ tử. Ngoài ra, Liễu Đại Hoa còn huấn luyện đại sư Đảng Phỉ cùng với nữ đại sư Tả Văn Tĩnh, những kỳ thủ nổi tiếng khắp thế giới.

Bắt đầu từ năm 1993, Lý Lai Quần chọn con đường kinh doanh, vì vậy không còn thời gian để rảnh rỗi để đào tạo các tài năng trẻ, xếp vào phương diện này thì Lý Lai Quần kém nhất trong bọn họ. Mặc dù Lữ Khâm là một tài năng kiệt xuất với thành tích lẫy lừng nhưng ở phương diện đào tạo thế hệ trẻ thì dường như Lữ đại sư chưa đủ tập trung, điều này gián tiếp dẫn tới sự sa sút của đội tuyển Quảng Đông vốn rất hùng mạnh.

Cho đến ngày nay, ngoài việc bồi dưỡng hai vị nữ đại sư từng vô địch quốc gia là Trần Hạnh Lâm và Trần Lệ Thuần, Lữ Khâm chưa bao giờ đạt được thành tựu lớn trong việc đào tạo các đại sư nam. Điều này dẫn đến việc đội tuyển Quảng Đông hùng mạnh từng phải mời Kỳ Vương Trịnh Duy Đồng ở Tứ Xuyên về góp sức tại giải đồng đội khi mà nhân lực không còn ai để trông cậy. Từ cái nhìn toàn diện, về bồi dưỡng nhân tài Hồ Vinh Hoa lại dẫn đầu tiếp theo sau sẽ là Liễu Đại Hoa, Lữ Khâm cùng Lý Lai Quần.

Xét về sự đóng góp cho hành trình phát triển tượng kỳ

Hãy cùng so sánh sự đóng góp của Tứ Thiên Vương trong sự phát triển của tượng kỳ. Những đóng góp trong sự phát triển phong trào có thể so sánh toàn diện qua các khía cạnh như: bồi dưỡng nhân tài, viết sách, đổi mới, cải cách chuyên môn, quảng bá cùng với việc hỗ trợ tổ chức các sự kiện…

Hồ Vinh Hoa là người đứng đầu trong việc bồi dưỡng nhân tài cũng như viết sách chuyên môn về tượng kỳ. Ông có những tác phẩm tiêu biểu như: “Phản cung mã chuyên tập”, “Hồ Vinh Hoa tượng kỳ tự chiến giải quyết phổ”, “Hồ Vinh Hoa phi tượng bách cục”… đều được đánh giá cao về mặt lí luận chuyên môn.

Các vị đại sư còn lại hầu như không có không có kiệt tác nào đáng kể. Về phương diện cải cách, đổi mới chuyên môn, Hồ Vinh Hoa cũng đi đầu trong việc cách tân nhiều thế trận cổ, đổi mới và sáng tạo những thế trận mới như: Phản cung mã, Quá cung pháo, Phi Tượng cục…Mỗi cải biến của ông đều có giá trị sử dụng lớn, áp dụng cho thực chiến hiện đại. Về mặt này, Hồ Vinh Hoa vẫn đứng đầu.

Hồ Vinh Hoa còn rất tích cực trong việc quảng bá tượng kỳ. Năm 1989, vì phải ra nước ngoài quảng bá sự kiện, ông thậm chí từ bỏ cơ hội tham dự giải vô địch toàn quốc. Mặc dù Hồ Vinh Hoa không phải tự bỏ tiền túi để tài trợ các sự kiện nhưng những đóng góp của ông cho sự phát triển của tượng kỳ là vô cùng to lớn!

Thành tích đóng góp cho phong trào của Liễu Đại Hoa và Lữ Khâm tất nhiên không bằng Hồ Vinh Hoa nhưng họ cũng đã để lại nhiều ảnh hưởng lớn trong sự phát triển tượng kỳ. Nhìn chung bọn họ vẫn hơn Lý Lai Quần ở mặt này. Tuy nhiên Lí Lai Quần lại là người bỏ ra nhiều tiền nhất để tài trợ các sự kiện tượng kỳ sau khi đạt được thành công trong kinh doanh.

Vào năm 2007, ông từng bỏ ra số tiền lên đến 1 triệu USD để tài trợ cho giải đấu nổi tiếng mang tên mình là “Lai Quần Bôi” với giải nhất lên đến 200.000 NDT, một kỉ lục thời đó. Trên thực tế, Lí Lai Quần còn sẵn sàng muốn biến “Lai Quần Bôi” thành một giải đấu uy tín như “Ngũ Dương Bôi” nhưng vì Hồ Vinh Hoa không muốn tham dự nên giải đấu này đã lụi tàn chỉ sau một lần được tổ chức.

Xét về sức ảnh hưởng trong giới tượng kỳ

Cuối cùng hãy so sánh về tầm ảnh hưởng của mỗi vị Thiên Vương trong giới tượng kỳ. Tại giáp cấp liên tái năm 2003, Lữ Khâm và Hồ Vinh Hoa ngồi cùng bàn trò chuyện vui vẻ bên ly rượu, Lữ Khâm đã từng nói: ”Hồ tư lệnh, anh là tiền bối trong giới, tôi chỉ nghe anh”. Không khó để nhận ra được từ trong lời nói của Lữ Khâm , người từng giành được hơn 100 danh hiệu cao quý, lập biết bao thành tựu trong kỳ nghệ vẫn rất ngưỡng mộ Hồ Vinh Hoa.

Hồ Vinh Hoa người đang nắm giữ những kỉ lục vô tiền khoáng hậu như vô địch quốc gia trẻ nhất (15 tuổi), vô địch quốc gia mười năm liên tiếp, vô địch quốc gia lớn tuổi nhất (55 tuổi)…hầu như đều được bất cứ ai yêu mến khi nhắc đến. Ngay cả Lữ Khâm, người đã thống trị kỳ đàn hơn 10 năm, thi đấu chuyên nghiệp hơn 40 vẫn cảm thấy mình bé nhỏ hơn bậc đàn anh rất nhiều!

Xét về phương diện này, Liễu Đại Hoa cùng Lý Lai Quần quả thực không bằng. Lý Lai Quần dù là một tài năng kiệt xuất với 4 chức vô địch quốc gia trong mười năm nhưng đã từ bỏ kỳ nghệ từ quá sớm để theo kinh doanh. Tầm ảnh hưởng của anh thậm chí còn thua kém hơn nhiều so với Liễu Đại Hoa chứ chưa nói tới hai vị Hồ – Lữ.

Liễu Đại Hoa là một người có hoài bão lớn nhưng cuộc đời lại gặp nhiều trắc trở. Liễu đại sư thành tài chủ yếu tự học, luôn rất nỗ lực, chăm chỉ mỗi ngày. Mặc dù, Liễu đại sư chưa từng giành lại được chức vô địch từ năm 1981 nhưng với gần nửa thế kỷ cống hiến cho làng cờ, bền bỉ trong mọi giải đấu, huấn luyện biết bao nhân tài trẻ tuổi, danh vị của Liễu đại sư xứng đáng được người đời tôn trọng, nể phục!

Trong nháy mắt, Tứ đại Thiên Vương lừng lẫy ngày nào đều đã có tuổi. Hồ Vinh Hoa đã từ bỏ thi đấu đỉnh cao vào khoảng năm 2014, Lý Lai Quần cũng đã rút lui từ lâu chỉ còn Liễu Đại Hoa và Lữ Khâm vẫn còn hoạt động. Mặc dù, hùng phong vẫn như ngày nào nhưng với sự vươn lên mạnh mẽ của thế hệ mới, cả hai vị đại sư đều không đạt được thành tích nào đáng kể trong thời gian qua.

Nhưng đối người hâm mộ, họ vẫn cảm thấy rất vui khi hai vị đại sư vẫn còn tiếp tục chiến đấu, cho dù màn trình diễn của bọn họ không còn được mãn nhãn, kết quả đã không còn tốt như trước nhưng họ vẫn là những bậc anh hùng hiếm có xưa nay…

Kết lại

Có một ai đó từng hỏi rằng, ý nghĩa của việc chơi cờ là gì?
Là để tiếp nối, nối quá khứ đến tương lai, nối thế hệ này đến thế hệ khác…
Mọi thứ không có hồi kết như cuộc sống vậy. Cứ mãi tiếp diễn…

“Sóng Trường Giang sóng sau xô lớp trước
Bao lớp sóng xô bấy anh hùng
Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng
Được mất lợi thành bỗng chốc hóa hư không…” (Trích thơ)

Theo: Luis Trần

Hắc Phong

Hắc Phong hay còn gọi là (Hắc Phong Song Sát), đã từng lừng danh chốn giang hồ đã mai danh ẩn tính. Nay trở lại cờ tướng Ziga với ý định chia sẻ lại chút kiến thức và kinh nghiệm nhỏ nhoi trong nghề cờ vốn bạc bẽo nhưng đầy hấp dẫn này.

Có thể bạn cũng thích

0 bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem thêm từ: Kinh nghiệm chơi cờ tướng

Đừng bỏ lỡ