Hứa Ngân Xuyên nói về tinh thần của con chốt trong cờ tướng


Chúng tôi thường gặp Hứa Ngân Xuyên trong những dịp đấu giải, nhưng vì bận rộn nên ít có cơ hội ngồi lại đàm đạo. Có điều Anh là người Quảng Đông có thói quen ăn cháo khuya và tôi là dân viết lách quen thức đêm thế là chúng tôi lâu lâu cũng ngồi lại với nhau trong những đêm nhậu sương sương trong tiệm ăn khuya.

Tửu lượng Ngân Xuyên không cao nhưng chắc chắn hơn tôi. Phong cách đánh cờ và uống rượu của Anh thì trái ngược nhau. Lúc thi đấu chỉ cần có chút ưu thế Anh sẽ quần tới quần lui để tìm đường thắng, những khi thất thế Anh ngoan cuờng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ván cờ mang tính quyết định việc thắng thua của hai đội QĐ và BK hai ngày trước đó khi đụng Trương Cường, đó là ván cờ vô phương cách cứu vãn, thế mà cuối cùng Anh đã thủ huề được. Nhưng khi uống rượu , Anh chỉ thích nhâm nhi chút chút, thấy đủ là ngưng. Anh cho rằng uống rượu là một phương thức điều chỉnh thân tâm để giảm sự căng thẳng, mệt mỏi, quá chén chỉ hại cho sức khoẻ. Mọi người trong đội đều biết trong những bữa tiệc, rượu uống nửa chừng là Anh bắt đầu rút lui; đôi lúc gặp gia chủ quá nhiệt tình , nể mặt Anh đành phải tuỳ thuận chúng sanh, nhưng truờng hợp này rất ít khi xảy ra.

Tiếp xúc nhiều với Ngân Xuyên rồi mới biết giữa chúng tôi có nhiều sở thích giống nhau, chẳng hạn như Thư pháp, Hội hoạ, Văn học và cả Triết học nữa. Chúng tôi đã từng đứng hàng giờ trước một bức tiểu phẩm Thanh Minh ở hành lang một khách sạn mà đàm luận; hoặc cùng thảo luận Triết học trong khi đi dạo mát. Phương thức giao lưu chính của chúng tôi là vừa nhâm nhi vừa đàm đạo, chuyện xưa chuyện nay, trên trời duới đất đều là đề tài tốt để chúng tôi thả hồn bay luợn trong đó.

Nhớ mùa Đông năm ngoái ở Thừa Đức, đơn vị chủ nhà tổ chức một buổi giao lưu giữa kỳ thủ và các nhà Thư pháp và Hội hoạ, Ngân Xuyên và tôi đến dự, chúng tôi đứng lặng lẻ thưởng lãm, nghiền ngẫm, trao đổi sự cảm nhận và lĩnh hội cá nhân với nhau. Tôi biết công lực về thư pháp của Ngân Xuyên rất thâm hậu, xúi Anh lên ” biểu diễn” cho bà con xem. Ngân Xuyên nói : “Tôi phải uống chút rượu vô thì mới viết có hồn được , thiếu rượu thì linh khí đặc có của thư pháp sẽ không dễ toát ra.”

Thật thú vị khi đuợc tiếp chuyện với Anh , tôi mừng như tìm được một đối thủ ngang cơ. Chẳng hạn có lúc Anh buột miệng ngâm một câu thơ cổ, tôi ngâm liền câu tiếp. Đôi khi gặp cảnh khế hợp với câu thơ nào đó tôi liền thốt ra và Ngân Xuyên vui vẻ đọc tiếp, mỗi người một câu đọc hết cả bài mới thôi.

Hôm nọ hai nguời gặp nhau ở truớc thang máy, vì đội Giang Tô vừa thắng trận, Ngân Xuyên cười nói :

” Giang Đông tử đệ đa tài tuấn”

Tôi cười và tiếp:

” Quyển thổ trùng lai vị khả tri “

Nhưng cũng có những lúc chính tự tôi lầm lẫn. Hôm ấy hai anh em ăn khuya trong một quán rượu nhỏ, có lẽ xúc cảnh sanh tình Anh ra chiều suy nghĩ, ngâm câu Thơ Đường:

“Phong suy liễu hoa mãn điếm hương”

Tôi ngâm tiếp:

– “Ngô cơ áp tửu KHUYẾN khách thưởng “

Ngân Xuyên sửa lưng liền:

– ” Ngô cơ áp tửu HOÁN khách thưởng ” mới đúng, vừa nói vừa chấm rượu viết lại chữ Hoán lên bàn.

Tôi cố cãi và cười: “Sao tôi nhớ là chữ “Khuyến” mà, nghĩa là “khuyên” khách nhâm nhi rượu ngon.”

Ngân Xuyên cũng không để tâm, cảm khái nói : “Tôi thích nhất câu đầu : “Gió thoáng qua tiệm tỏa ngát hương thơm mùi bông liễu ” hàm súc một ý nghĩa thật sâu sắc, dư âm không dứt khiến nguời ta suy ngẫm mãi không thôi. Anh Mã Qua à, theo Anh thì đây là mùi thơm gì đây? Thơm rượu ? Ngát thơm tươi mát của mùi bông liễu hay là xạ hương trinh nữ của người đẹp đất Ngô? Tôi nghĩ đó là mùi thơm tổng hợp , là một cảm giác tâm trạng tươi vui của thi nhân.. Dùng chữ “thơm” để diễn tả tâm trạng vui xem ra hơi thấp tục, nhưng trong tục lại toát lên sự thanh nhã, hoá hủ lậu ra thần kỳ. Cảnh giới tư tưởng, tình cảm và phong cách biểu hiện trong câu thơ đẹp làm sao ấy! Làm thơ, đánh cờ cũng như đối nhân xử thế đều cần có chiều sâu của cảnh giới như vậy”.

Tôi thừa cơ hỏi:

-” Thế nào là quan niệm về cảnh giới của đánh cờ và cách xử thế ?” Ngân Xuyên nói liền không suy nghĩ:

-“Cảnh giới đánh cờ là cầu đạo, ngộ đạo. Chuyện thắng thua không đáng để tâm, ta dồn hết tâm trí vào việc tìm cầu chiều sâu trong cuộc cờ. Thầy Lý Lai Quần từng nói:. ” Cờ tướng không phải chỉ thuần là môn nghệ thuật đấu trí, đúng hơn còn là một “dạng” văn hoá nữa. Tôi hoàn toàn đồng ý với Anh ta. Lần trước khi đọc bài phỏng vấn Lý Lai Quần của Anh, tôi rất vui và có nhiều cảm xúc. Tôi SMS cho Anh , nói lên cái cảm xúc của mình. Những quan điểm của Lý cũng chính là những điều tôi muốn nói, là những tâm tư tận đáy lòng của các kỳ thủ chuyên nghiệp.”

Nói đến đây, Ngân Xuyên bỗng cười:

-“Có những lúc đang thi đấu, chợt nhớ đến một bài thơ cổ nào đó thế là tôi bắt đầu nghiền ngẫm, càng nghiền ngẫm càng thấy hay. Đối thủ cũng không biết tôi đang nghĩ gì, hì hì, xấu hổ! xấu hổ! “

-“Thế là Anh đang đánh cờ mà lại lo ra rồi!” Anh tiếp:

-“Kỳ thủ chuyên nghiệp như chúng tôi khi đấu giải thì bằng mọi cách phải tranh thắng, nhưng bản chất cờ tướng mang tính hài hoà, trong cờ tướng thể hiện tư tưởng của Nho gia hoặc có thể nói là quan điểm Triết học. Tôi nghĩ rằng người xưa khi phát minh cờ tướng ,không phải chỉ để con cháu sau này thi đấu tranh thắng mà là thông qua việc chơi cờ để chúng ta thể nghiệm và cảm ngộ nhân sinh, sẽ giúp ích ta nhiều trong cuộc sống như công việc, hôn nhân, gia đình…Cờ tướng thực là một quyển ” Vô Tự Thiên Thư” nhưng lại bao hàm tất cả Triết lý tổng hợp trong cuộc sống”

Tôi đồng ý:

-“Vâng! Chỉ có người có lòng mới đọc hiểu được. Vậy còn ý cảnh nhân sinh là thế nào đây?”

– “Là sự ban cho mà không nhận lãnh. Là những kỳ thủ chuyên nghiệp, chúng tôi có thể làm được những việc có hiệu quả và tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn so với kỳ hữu bình thường. Chúng tôi mang trong nguời một sứ mạng là vừa phải đánh những ván cờ có chất lượng đồng thời có trách nhiệm hoằn dương, đẩy mạnh sự phát triển cờ tướng, để người ta có cái nhìn chính diện đúng đắn về cờ…Những việc làm này là ban cho, bỏ ra chứ không có hồi báo, nhưng chúng tôi đã làm và dốc toàn lực không ngừng làm”.

Chúng tôi cụng ly, Ngân Xuyên đang cao hứng uống cạn và tiếp:

– ” Tôi chẳng qua đóng vai một con Chốt tí hon trong bàn cờ lớn này mà thôi, không phải khiêm nhượng mà đó là cảm thọ chân thật của tôi. Làm con Chốt qua sông là chuyện rất vinh quang , nhưng làm đúng vai trò Chốt thì không dễ tí nào. Tôi rất thích nghệ thuật, mọi nghành nghệ thuật, cũng từng muốn trở thành nhà văn, nhà báo, dùng cây viết trong tay bày tỏ nguyện vọng tâm tư của người dân thấp cổ bé miệng cũng như nói lên những sự bất bình trong cuộc đời, dương cao ngọn cờ chính nghĩa, đòi công lý xã hội, đó là sứ mạng thiêng liêng của nguời cầm bút. Tinh thần trách nhiệm và sứ mạng của một kỳ thủ cũng thế. Có thể chúng ta không sống đến ngày để nhìn thấy sự phồn vinh, hưng thịnh thật sự của cờ tướng , nhưng dầu sao chúng ta đã từng sống, từng làm, từng đóng góp tích cực trong đó… tôi cho rằng đó đã là cái chân giá trị nhân sinh của mình rồi.

Rất ít khi thấy Ngân Xuyên xúc động như đêm nay, tấm lòng cởi mở tận tình thổ lộ tâm tích. Tôi cảm động quá nhất thời không biết nói gì. Tôi rót đầy ly cho Anh hỏi tiếp :

– “Tại sao nhất định làm con Chốt qua sông?”

– Chốt quá hà luôn dũng mãnh tiến tới chứ không bao giờ thối lui, không tiếc hy sinh sinh mạng mình để mang lại thắng lợi toàn cuộc. Trong cuộc cờ Chú Chốt là dũng sĩ tiên phong, chỉ biết tiến tới!

Trong giây phút này, Ngân Xuyên không còn là con người e dè nữa , “Bản thân con Chốt đã hàm chứa cái tinh thần hiến thân cao đẹp. Mặc dù Chốt chỉ đi từng bước nhỏ, mỗi bước của quân cảm tử đều mang khí thế hiên ngang, hùng dũng. Việc phát triển, đẩy mạnh cờ tướng cần có nhiều con Chốt như thế, cần những tinh thần kiên định bước từng bước vững chắc như thế. Anh Mã Qua, chúng ta cùng làm những con Chốt nhé?” Ngân Xuyên quàng tay qua vai tôi, tay kia nâng ly: ” Này! Chúng ta cùng cạn ly để chúc mừng mình thành con Chốt qua sông”!

Các bạn yêu cờ thân mến, bất kể bạn đến từ phương trời nào và đã làm được những gì trong việc đẩy mạnh phát triển cờ, nay ta hãy cùng làm những con Chốt quá hà, vì tương lai cờ tướng, hãy cùng gánh vác sứ mạng cao cả này.

* Tự sự : Các bạn và tôi cùng có một niềm đam mê, một tình yêu mãnh liệt đối với cờ. Tình yêu đó ngày một lớn mạnh theo năm tháng phải không các bạn? Trong niềm đam mê, trong sở thích chung ấy, mỗi chúng ta – những người yêu mến cờ đều có chung một khao khát: MÌNH HÔM NAY CAO HƠN HÔM QUA. Nhưng năng lực và tố chất cờ của mỗi người đều có một giới hạn : đến một ngưỡng nào đó bạn sẽ không thể cao hơn được nữa (!?) – Đó là quy luật của muôn đời. Bạn phải hiểu và chấp nhận điều đó một cách hiển nhiên – đối với những người chơi cờ không phải chuyên nghiệp.
Nếu bạn còn lăn tăn bởi những câu hỏi : đã có nhiều người làm trước rồi, tìm gì trên mạng gì cũng có, tôi không có thời gian…các thắc mắc, các vấn đề các bạn đưa ra đều đúng. Nhưng xin hỏi nhỏ với các bạn : ĐAM MÊ VỚI CỜ CỦA BẠN LÀ GÌ ?

Bạn ạ, đam mê và niềm tin của mình là : ĐƯA CỜ TƯỚNG ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI theo cách mình có thể.
Chỉ đơn giản vậy thôi mà không hề dễ nhé : mình đã từng day dứt trước những thế cờ khó, từng loay hoay không biết tìm phương hướng nào học cờ… rồi đến những lo toan trong việc mưu sinh cuộc sống đời thường khiến mình có lúc chìm đắm vào đam mê, bỏ bẵng cờ một thời gian. Có rất nhiều định nghĩa, cách trả lời khác nhau và đều bị ngăn cách bởi chữ : NHƯNG .

Quả thật là một câu hỏi khó, một vấn đề nan giải người viết bài này cũng không có câu trả lời cụ thể và cũng không dám trả lời dứt khoát. Chỉ dám đưa ra một đề xuất nho nhỏ : mỗi chúng ta – những người yêu cờ hãy đề xuất những ý tưởng , hãy phát huy hết thế mạnh của mình, Mỗi người góp một chút sức lực … có như vậy phong trào cờ mới dần tiến bộ lên chăng?

Bạn đã bắt đầu chưa ? Hay bạn còn lăn tăn , nghi ngại điều gì? TỪNG CHÚT , TỪNG CHÚT MỘT thôi bạn ạ. Tôi giờ mới bắt đầu .

 

Bài chuyên phỏng về Hứa Ngân Xuyên của nhà báo Mã Qua

Nguồn Fb Kỳ Đạo & Kỳ Phổ

Có thể bạn cũng thích

0 bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem thêm từ: Kinh nghiệm chơi cờ tướng

Đừng bỏ lỡ