Những biệt danh bá đạo của kỳ thủ Việt


Cờ tướng là môn thể thao trí tuệ xuất phát từ Trung Quốc và rất thịnh hành ở Việt Nam. Không ít kỳ thủ của làng cờ ba miền Nam, Trung, Bắc tùy theo ngoại hình, tính cách, thói quen, quái chiêu, tuyệt kỹ… của từng danh thủ mà họ được tặng những biệt danh thú vị.

Người đặt biệt danh cho kỳ thủ

Người đi tiên phong đặt biệt danh cho các kỳ thủ Việt Nam chính là HLV Lê Thiên Vị của làng cờ Saigon. Ông vốn say mê các pho tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung cộng với sự say mê cờ mà các vị tiền bối trước năm 1975 kết giao bằng hữu huynh đệ và nhóm Võ Đang Thất Hiệp được ra đời từ đó.

Lê Thiên Vị chính là Thất đệ Mộc Thanh Cốc của nhóm Võ Đang nổi tiếng trong sới cờ giang hồ trăm trận trăm thắng ở các sòng cờ độ ở đường Công Lý và biệt danh “Thiên Hạ Đệ Nhất Sát” ra đời.

Lê thiên Vị - Người đặt biệt danh cho làng cờ Việt
Lê thiên Vị – Người đặt biệt danh cho làng cờ Việt

Chỉ khi có thêm thiên tài cờ tướng Trần Quới và Lê Nhị Trí kết hợp vào cùng hội cùng thuyền và biệt danh “Giang Hồ Tam Ác” ra đời trong đó biệt danh “Đệ Nhất Ác” được gán cho Lê Thiên Vị.

Có thể nói Lê Thiên Vị là một bậc thầy về đặt biệt danh cho kỳ thủ miền nam khi ông hiểu quá rỏ về tính cách, sở trường sở đoản của từng kỳ thủ.

Cả một thời gian dài từ năm 1992 đến năm 2008 và khi đặt biệt danh ông đã giải thích cặn kẽ vì sao kỳ thủ A là biệt danh này, kỳ thủ B là biệt danh nọ.

Sau năm 2008 ông đã không còn thường xuyên đi theo tham dự các giải toàn quốc nữa nên biệt danh của các kỳ thủ giai đoạn sau này đều do các anh em trong làng cờ từng miền đặt cho nhau mà thôi.

Giang hồ đệ nhất ác – Lê Thiên Vị

Có biệt danh Thất Đệ Mộc Thanh Cốc và Giang Hồ Đệ Nhất Ác: Chánh và tà Không phải ngẫu nhiên mà người xưa thường ví một ván cờ như một trận chiến.

Mỗi chiêu mỗi thức trong cờ tướng được ví như các chiêu thức trong võ lâm. Không ít bậc cao nhân, tiền bối vì mê cờ mà kết giao bằng hữu, huynh đệ… Sài Gòn trước 1975, xuất hiện nhóm “Võ Đang thất hiệp”.

Nhóm “Võ Đang thất hiệp” thường tập họp và bàn luận về cờ tại “sơn trang” thầy giáo Đặng và những buổi luận cờ này chỉ ngưng khi danh thủ Trương Thúy Sơn Quách Anh Tú lên đường tham gia cách mạng năm 1968.

Nhờ thường xuyên luyện công, nên công lực của Mộc Thanh Cốc Lê Thiên Vị ngày càng thăng tiến. Trong những lần xuống núi.

Nhất ác - Lê Thiên Vị và sư đệ Lê Nhị Trí
Nhất ác – Lê Thiên Vị và sư đệ Lê Nhị Trí

Lê Thiên Vị từng lập các chiến công hiển hách như: vô địch Sài Gòn năm 1970, đạt đẳng cấp Quốc tế đại sư tại Giải vô địch thế giới lần 4 – 1995 với tấm HCB Phi Hoa Duệ.

Thời đó Lê Thiên Vị tung hoành ngang dọc chốn giang hồ và trăm trận trăm thắng ở các ván cờ độ tại các kỳ đài nổi tiếng ở đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

THUẬN PHÁO VƯƠNG – Phạm Tấn Hòa

Phạm Tấn Hòa (sinh 1940) những năm đầu của thập niên 70, Phạm Tấn Hòa tham gia nhiều giải do Tuệ Thành tổ chức quy tụ rất nhiều danh thủ thời bấy giờ như Trần Đình Thủy, Trịnh Mỹ Linh, Lê Văn Tám, Hứa Kim Thành, Phạm Nam Đài … và ông đã oanh liệt đoạt chức vô địch thắng tuyệt đối một cách thuyết phục đoạt một Kim bài vàng tương đương 2 lượng.

Năm 1974 Hội Cờ Tướng tổ chức tại nhà hàng Á Đông, quy tụ nhiều hảo thủ thì Phạm Tấn Hòa ngẫu hứng tuyên bố sẽ đối phó với các đối thủ bằng thế trận thế trận Thuận Pháo và đã thành công.

Chân dung Kỳ Vương - Phạm Tấn Hòa
Chân dung Kỳ Vương – Phạm Tấn Hòa

Vào tranh chung kết với tiền bối Phạm Nam Đài tức Phạm Thanh Mai (chính là sư phụ của danh thủ Mai Thanh Minh nổi tiếng ở thập niên 90 sau này) cũng kết thúc bằng trận Thuận Pháo rất ngoạn mục và danh hiệu “Thuận Pháo Vương” được đặt cho Phạm Tấn Hòa kể từ đó.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng thì Phạm Tấn Hòa đã đi làm rất nhiều cơ quan, xí nghiệp và kết thúc cuối cùng của ông chính là trở lại làm HLV Cờ Tướng nữ TP.HCM gồm Ngô Lan Hương, Vũ Thị Thu, Nguyễn Hoàng Ngọc Thảo ….

Ở giai đoạn thập niên 90 thì Phạm Tấn Hòa có thêm một biệt danh “KHÔNG KIẾN THẦN TĂNG” do thầy Lê Thiên Vị đặt cho để nể lòng kính phục một vị tiền bối có công lực cờ cao thâm.

TIỂU HỔ VÙNG ĐÔNG BẮC – Nguyễn Bá Hùng

Nguyễn Bá Hùng (sinh 1948) là một người anh rất tân thiết với danh thủ Mai Thanh Minh và là huấn luyện viên cho Trung Tâm TDTT Quận Bình Thạnh và phụ trách kỳ đài quận Bình Thạnh.

Anh là một cao thủ có hạng của làng cờ thành phố của những năm 1972-1990 và từng chiến thắng nhiều cao thủ nên anh có thêm biệt danh mới là “Cốc Chủ”.

Nguyễn bá Hùng đã biên soạn rất nhiều sách cờ tướng có giá trị thời bấy giờ như Phào đầu quá hà Xa đối Bình Phong Mã cao hữu Pháo, Khởi Mã đối tiến Chốt, Quy Bối Pháo, Ngũ Lục Pháo đối Phản Công Mã….

Sau giải phóng danh kỳ đất bắc là Nguyễn Tấn Thọ vào nam giao đấu với Cốc Chủ – Nguyễn Bá Hùng và thua 2 ván.

THIẾT CHƯỞNG LÃO NHÂN – Trịnh Mỹ Linh

Trịnh Mỹ Linh (sinh 1950) là người Hoa, gốc Triều Châu sinh sống tại Chợ Lớn và là một trong những số cao thủ gốc Hoa nổi tiếng của Saigon trước 1975.

Do một cánh tay của ông bị teo, bàn tay co quắp nên căn cứ hình dáng đó mà được đặt biệt danh là “Thiết Chưởng Lão Nhân” với công phu độc chiêu khi ra đòn hạ gục đối thủ chính là chiêu “Thiết Sa Chưởng”.

KHÔ MỘC THIỀN SƯ – Dương Thanh Danh

Dương Thanh Danh (sinh 1950), đam mê cờ và có năng khiếu cờ từ nhỏ. Tuy nhiên khi đậu xong tú tài I thì Dương Thanh Danh bị bệnh phổi nặng nên thân thể ốm yếu gầy gò giống như một thân cây khô.

Kỳ thủ - Dương Thanh Danh
Kỳ thủ – Dương Thanh Danh

Tuy nhiên với bản tính hiền lành, điềm đạm, khiêm tốn, ham học hỏi, ít nói và lọt vào top 10 của giải Tuệ Thành tổ chức năm 1972 được mọi người đánh giá cao về tài và đức.

Lúc bấy giờ các cao thủ chỉ dám cấp Dương Thanh Danh 1 nước tiên mà thôi. Là thầy của rất nhiều vận động viên năng khiếu nổi nhật như Ngô Lan Hương, Trương Lê Hoàng, Vũ Thị Thu …..

PHONG TRẦN QUÁI KHÁCH – Hoàng Đình Hồng

Hoàng Đình Hồng (Sinh 1948). Có thể nói các sòng cờ ở Saigon – Chợ Lớn – Gia Định đều có dấu chân miệt mài của ông Hoàng Đình Hồng.

Thời gian 1978-1979 Hoàng Đình Hồng thường theo Trấn Quới, Hứa Kim Thành hoặc Trần Đình Thủy đến các sòng cờ nên trình độ vươn lên rất nhanh.

Kỳ thủ - Hoàng Đình Hồng
Kỳ thủ – Hoàng Đình Hồng

Hoàng Đình Hồng lăn lộn giang hồ ở rất nhiều sòng cờ, sáng ở quận 1 thì thoắt chiều đã ở Bình Thạnh hoặc ở Tân Bình, Quận 6 với chiếc xe đạp cà tàng không biết mệt mỏi.

Với dáng vẻ phong trần, bất cần đời, tính tình hơi quái nên biệt danh “Phong Trần Quái Khách” được gán cho ông. Tuy nhiên sau này ông thường đi giang hồ một mình nên cũng lấy thêm một biệt danh là “Độc Hành Đại Đạo”.

THẬP TAM – Dương Nghiệp Lương

Là một kỳ thủ giang hồ có lực cờ không hay bằng các cao thủ nổi tiếng của giai đoạn 1970 -1990 nhưng lại nổi tiếng về cáp độ hầu như ít bao giờ thua ở trong giới cờ.

Anh nổi tiếng vối bàn cờ thế “Thâp Tam Thái Bảo” ăn không biết bao nhiêu tiền của các kỳ thủ thời bấy giờ và biệt danh “Thập Tam” được ra đời từ đó.

Kỳ thủ - Dương nghiệp Lương
Kỳ thủ – Dương nghiệp Lương

Tuy nhiên Dương Nghiệp Lương có lẽ là một kỳ thủ có nhiều biệt danh nhất làng cờ Việt Nam ở giai đoạn hiện nay. Khi Dương Nghiệp Lương về đầu quân thi đấu cho đơn vị BRVT.

Vào năm 1994 thì thầy Lê Thiên Vị đã đặt cho Dương Nghiệp Lương một biệt danh khác là dựa vào cách thức ăn mặc, hình dáng cũng như tính tình của anh giống một trong tứ đại pháp vương của Ma Giáo chính là “THANH DỰC BỨC VƯƠNG Vi Nhất Tiếu”.

TRẦN ĐÌNH GIÁO CHỦ – Trần Đình Thủy

Trần Đình Thủy (sinh 1939). Là người Hoa, gốc Triều Châu. Anh em làng cờ thường gọi là “Chuối” – âm Thủy theo tiếng Tiều hoặc “Xủi” theo tiếng Quảng.

Năm 1963 chỉ là tay cờ bình thường nhưng đến năm 1965 nhờ thắng danh kỳ Sáu Mẹo khi đánh phân tiên và được tôn vinh lên hàng tướng, sau đó được đại sư phụ Trần Dụ Thám chỉ giáo và năm 1971 Trần Đình Thủy đứng hạng 2 giải cờ hạng A do Tuệ Thành tổ chức.

Năm 1972 đoạt quán quân khi hạ gục cao thủ Lê Bỉnh. Năm 1973, kỳ vương Lý Huệ Đông sang giao đấu và Trần Đình Thủy thắng cả 2 ván khiến kỳ vương Lý Huệ Đông muối mặt, dân cờ Saigon rất tự hào về thành tích này của Trần Đình Thủy.

Kỳ thủ Trần Đình Thủy (bên phải)
Kỳ thủ Trần Đình Thủy (bên phải)

Năm 2003 mặc dù tuổi đã cao (64 tuổi) nhưng ông đã gây bất ngờ cho làng cờ tướng Việt Nam khi đoạt huy chương bạc cá nhân tại giải vô địch quốc gia nên cùng với Đặng Hùng Việt (HCV) tham dự giải Vô địch Thế Giới tại Hồng Kong và đồng đội VN xếp hạng 4.

Trần Đình Thủy là tay cờ Việt nam và có tuổi thọ về cờ và đạt thành tích tốt nhất. Ít có tay cờ nào ở tuổi 60 mà được Hiệp Hội Cờ Tướng Châu Á phong cấp Quốc Tế Đại Sư và được đặt biệt danh là “TRẦN ĐÌNH GIÁO CHỦ” – là vận động viên chủ lực và người đứng đầu của làng cờ tướng BRVT.
Trần Đình Thủy mất ngày 07/3/2011 tại tư gia do bịnh ung thư đại tràng.

KIM MAO SƯ VƯƠNG – Nguyễn Văn Xuân

Nguyễn Văn Xuân (sinh 1958). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thì Nguyễn Văn Xuân là tay cờ trẻ đầy triển vọng cùng với Trần Qưới và sớm đi theo nghiệp cờ giang hồ lúc 15-16 tuổi và tới năm 1978 thì Xuân đã là tay cờ độ giang hồ có hạng cùng song hành với Trần Qưới.

Nguyễn Văn Xuân nổi tiếng với những ván cờ độ để đời ăn thua lớn và sau khi Trần Qưới tuyệt tích giang hồ thì Xuân càng đánh càng xuất sắc dám chấp Trần Đình Thủy (người đã hạ nhục kỳ vương Lý Huệ Dông) 1 tiên rưỡi đánh cá độ và Trần Đình Thủy thua nhiều ván.

Kỳ thủ - Nguyễn Văn Xuân (bên trái)
Kỳ thủ – Nguyễn Văn Xuân (bên trái)

Nguyễn Văn Xuân đã được giới giang hồ tặng danh hiệu là “Vua đánh độ” liệt vào hàng đại cao thủ bậc nhất của làng cờ Saigon. Khi được phóng viên báo Thể Thao TP.HCM phỏng vấn thì Nguyễn Văn Xuân đã trả lời thẳng thắn với nội dung mình là người thường xuyên đánh độ, không kiêng nể bất cứ ai để kiếm sống và nâng cao kỳ nghệ, có những người Xuân đã chấp ngựa, pháo và cả xe nữa…

Đối với Xuân có thể kiếm sống bằng nghề tay trái và giã biệt chơi cờ đồng nghĩa với việc tự tay bóp chết thành quả và quá trình khổ luyện của mình và đối với Xuân việc đánh độ chả có gì xấu xa mà lên án cả nếu bỏ ra một ít tiền để học tập, rèn luyện nâng cao trình độ cho bản thân là chuyện bình thường. Nên hiểu đó là thách đấu thì đúng hơn.

ĐẠI HỔ – Diệp Khai Nguyên

Diệp Khai Nguyên (sinh năm 1967). Là người Hoa gốc Quảng Đông. Sinh trưởng trong một gia đình có 4 anh em đều biết chơi cờ là Diệp Khải Nguyên, Diệp Khải Dương, Diệp Khải Hằng, Diệp Khải Hồng, trong đó thì Khải Nguyên, Khải Dương, Khải Hằng là đam mê thật sự.

Diệp Khải Dương lúc chưa bị bịnh tim, chơi cờ sắc sảo hơn cả có thể gây khó dễ cho Trần Quới, Nguyễn Văn Xuân. Rất tiếc, từ khi bị bịnh Dương đã bỏ chơi cờ chỉ còn Khải Nguyên và Khải Hằng là tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình.

Kỳ thủ - Diệp Đại Nguyên
Kỳ thủ – Diệp Đại Nguyên

Diệp Khải Nguyên là một kỳ thủ chuyên nghiệp của đơn vị quận 5 rất thông thạo tiếng Quảng Đông & tiếng Bắc Kinh và là kỳ thủ trẻ nhất của làng cờ thành phố Hồ Chí Minh được đảm nhận chức vụ Trưởng Bộ Môn Cờ Quận 5 vào năm 1985 tức là năm anh vừa tròn 18 tuổi.

Diệp Khải Nguyên có một năng khiếu chơi cờ ngay từ nhỏ và đặc biệt thích nghiên cứu tìm tòi học hỏi các tài liệu khai cuộc chính thống qua các nguồn sách từ nước ngoài gửi về. Anh đã đạt hạng 3 tại giải cờ tướng thành phố tổ chức vào năm 1985 có rất đông danh thủ thời bấy giờ tham dự.

Diệp Khải Nguyên là một vận động viên chủ lực của nhóm Ngũ Hổ Tướng TP.HCM lừng lẫy của thập niên 90, cùng với Mai Thanh Minh, Trương A Minh, Trịnh A Sáng, Mong Nhi thống trị khuấy đảo làng cờ Việt Nam thời bấy giờ.

Hắc Phong

Hắc Phong hay còn gọi là (Hắc Phong Song Sát), đã từng lừng danh chốn giang hồ đã mai danh ẩn tính. Nay trở lại cờ tướng Ziga với ý định chia sẻ lại chút kiến thức và kinh nghiệm nhỏ nhoi trong nghề cờ vốn bạc bẽo nhưng đầy hấp dẫn này.

Có thể bạn cũng thích

0 bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem thêm từ: Kinh nghiệm chơi cờ tướng

Đừng bỏ lỡ