Một cao thủ giang hồ nổi tiếng lừng danh một thời của thập niên 80-90: Kim Mao Sư Vương. Ông là cái tên đánh độ nổi tiếng đất sài thành, bạn biết gì về ông? Hãy cùng Ziga tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Nguyễn Văn Xuân là ai?
Kim Mao Sư Vương chính là biệt danh của sới cờ giang hồ đặt tên cho danh thủ đánh độ Nguyễn Văn Xuân. Anh sinh năm 1958 và là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, sớm đi theo nghiệp cờ và đi giang hồ lúc 15-16 tuổi trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong cuộc đời thi đấu của anh tại các giải thành phố, toàn quốc không có thành tích gì nổi bật nhưng trong giới giang hồ thì anh là một tay cờ có hạng.
Giai thoại kể về anh thì rất nhiều từ những ván cờ độ giang hồ nổi tiếng với số tiền ăn thua từ nhỏ đến lớn với các kỳ thủ khác, tuy nhiên đối với Trần Quới (Lác Chảy) tuy không có gắn bó thân thiết với nhau nhưng cả hai đều là dân giang hồ nên không ăn thua với nhau.
Thỉnh thoảng gặp nhau trong một giải cờ buộc họ phải đánh hết mình để giành chiến thắng, tính chung thì Trần Quới thắng nhiều hơn nhưng trong các danh thủ cùng thế hệ thì chỉ có Nguyễn Văn Xuân là thắng được Trần Quới hai lần: lần thứ nhất là năm 1981 tại giải Cờ Mửng Xuân ở Quận 5, lần thứ hai là tại giải khu vực phía Nam năm 1985 tại CLB Phan Đình Phùng, trong khi đó cố danh thủ Mai Thanh Minh cùng thế hệ với Xuân tâm sự rằng chưa bao giờ thắng Trần Quới chỉ toàn hoà với thua khi đối đầu, điều này chứng tỏ công lực của anh Xuân được xếp vào hạng cao thủ của làng cờ tướng Saigon lúc bấy giờ mặc dù anh không học qua trường lớp hoặc ông thầy nào đào tạo.
Cuộc đời
Tuy nổi tiếng trong giới giang hồ và được nhiều địa phương trãi thãm mời về thi đấu nhưng thành tích của anh tại các giải toàn quốc không cao do vậy anh không bao giờ có tên trong đội tuyển quốc gia có lẽ do mãi lo trang trãi cơm, áo, gạo, tiền nên con đường hoan lộ của anh không hoàn toàn suôn sẽ?
Trong cuộc đời thi đấu của anh tai tiếng cũng có và ghi dấu ấn đặc biệt cũng có, chưa có một kỳ thủ nào ở địa phương này là vết nhơ nhưng ở địa phương khác lại là người đặc biệt ghi dấu ấn đấy chính là Kim Mao Sư Vương: năm 1997 tại giải Cờ Tướng A2 Toàn Quốc (hiện nay là Vô Địch Cờ Tướng Đồng Đội) tổ chức tại Bình Định thì anh thi đấu cho tuyển TP.HCM.
Nhưng do dính vào nghi án bán độ nên bị Chủ Tịch Liên Đoàn TP.HCM lúc bấy giờ là Ông Quách Anh Tú vốn rất ghét những chuyện không hay nên cánh cửa đội tuyển TP.HCM đã khép lại vĩnh viễn đối với kỳ thủ này và anh đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trãi thãm mời về thi đấu với hy vọng giúp cho đội tuyển tỉnh này khởi sắc hơn nhưng chính nơi đây đã làm cho Kim Mao Sư Vương “Một thời vang bóng, một thời thân bại danh liệt”.
Sự nghiệp
Vào năm 1999 tại giải Vô Địch Cờ Tướng Cá Nhân Toàn Quốc tổ chức tại tình Bà Rịa – Vũng Tàu (năm đó Đào Cao Khoa đoạt Quán Quân) tại vòng đấu thứ 5 khi gặp đồng đội là kỳ thủ Hoàng Trọng Thắng, có lẽ do không chỉ đạo trước nên cả hai đều quyết đấu; ván cờ rất căng thẳng và khi ván cờ gần kết thúc khi Thắng chỉ còn thực hiện một nước chiếu bí Xuân thì được chỉ đạo và ký biên bản chịu thua.
Sau trận đấu này HLV Lê Thiên Vị viết trên Báo Thể Thao Thành Phố ngày 18/3/1999 bài “Một ván cờ hay bị phản đối” tường thuật rất rõ chuyện này. Tưởng chừng như sự nghiệp thi đấu của anh đã kết thúc khi không đáp ứng được kỳ vọng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và anh đã ngưng thi đấu từ đó.
Mãi đến 07 năm sau thì bạn cờ giang hồ một thời của anh Xuân là cố danh thủ Tăng Nguyên Giai (Sò Mừng) lúc bấy giờ đang lập nghiệp tại Bình Dương với vai trò là một nhà “Mạnh Thường Quân” bỏ tiền ra lập đội đã mời anh về thi đấu cho đội cờ tuyển cờ tướng tỉnh Bình Dương tham dự giải Vô Địch Đồng Đội Toàn Quốc 2007 tại Bình Định.
Thi đấu đồng đội với anh đều là những kỳ thủ TP.HCM do không thể cạnh tranh một chổ đứng vào đội tuyển thành phố lúc bấy giờ là Tô Thiên Tường, Diệp Khải Hằng, Nguyễn Anh Hoàng, Hứa Quang Minh, Lâm Hữu Lương …
Kim Mao Sư Vương – Nguyễn Văn Xuân chính là vận động viên chủ lực của đội và góp công rất lớn cho đội tuyển tỉnh Bình Dương lần đầu tiên tham dự chen chân vào tốp 04 đội mạnh toàn quốc với thành tích “Hạng Ba Đồng Đội” và chính nhờ tấm “huy chương đồng cứng” này mà lãnh đạo tỉnh Bình Dương trước nay thờ ơ với môn cờ tướng mới chịu đầu tư xây dựng thành lập đội tuyển và trả lương cho các kỳ thủ. Có lẽ chính nhờ tâm huyết rất lớn của cố danh thủ Tăng Nguyên Giai và sự đóng góp công sức của Kim Mao Sư Vương đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên đội tuyển nam Bình Dương vững mạnh như ngày hôm nay.
Huyền thoại như làn khói trắng
“Nguyễn Văn Xuân” đã ra đi trong sự luyến tiếc của giới cờ giang hồ Sài thành khi hưởng dương 60 (1958-2017). Anh đã kết thúc một vòng xoay cuộc đời, kết thúc một huyền thoại với chiêu “sư tử hống”. Thế là từ nay những danh thủ đồng hành một thời như “Giang Hồ Đệ Nhất Sát”, “Thập Tam”, “Thiết Sa Chưởng”, “Phong Trần Quái Khách”, “Khô Mộc Thiền Sư”, “Đông Phương Bất Bại” …, đã vĩnh viễn mất đi “Kim Mao Sư Vương” một thời vang bóng.
Khi thân thể của anh bị thiêu đốt trở thành tro bụi bay vào chốn vĩnh hằng thì thành phố Saigon vẫn như thế, sòng cờ Lữ Gia vẫn tấp nập người lui tới và ở một góc ngồi quen thuộc mọi người sẽ không còn thấy “mái tóc vàng hoe” ngày nào của một kỳ thủ gắn bó cả cuộc đời bên cốc café và điếu thuốc ngậm trên môi, đâu đấy vang lên lời bài hát “…một làn khói trắng, ru đời vào quên lãng….”
Theo: Thừa Tướng
0 bình luận