Cuộc sống hiện đại với những vòng quay hối hả, tất bật. Nhiều thói quen cũ bị mai một, nhường chỗ cho những điều mới lạ của thời đại công nghệ thông tin. Nhưng có một thú chơi vẫn tồn tại như một khoảng lặng cần thiết trong một bản nhạc sôi động, đó là thú chơi cờ tướng.
Một nét phương Đông
Giống như một trận địa thực đầy đủ các binh chủng, công có, thủ có, bàn cờ tướng với 32 quân, chia làm hai bên như hình tượng hai quốc gia hoàn chỉnh có vua tôi, quan ở nhà, quân ra trận. Mỗi bên cờ đều có cung tướng ở, giữa bàn cờ có một khoảng trống gọi là sông. Những khái niệm “sông”, “cung”… đều là những điểm đặc thù, quen thuộc của người phương Đông.
Khác với cờ vua mang nét đặc trưng phương Tây, khẳng định cái tôi cá nhân với những quân cờ hình dạng cụ thể, khác biệt đứng sừng sững trong ô, cờ tướng cho thấy nét khiêm nhường, trọng tập thể của người phương Đông với mỗi quân cờ đều là các khối tròn nhỏ giống nhau, phân biệt qua các hán tự nằm trên. Cờ tướng không có quân vua mà thay bằng quân tướng. Bởi quan niệm vua là thiên tử, phải tôn kính, mọi hành động hay lời nói phạm thượng đều bị khép tội “khi quân”.
Cờ tướng cũng không có quân hậu như cờ vua bởi với người phương Đông xưa, phụ nữ không được can dự chuyện triều chính, không có phận sự tham gia chiến đấu. Phận sự ấy, trọng trách ấy thuộc về đàn ông, những người luôn mang trong mình khao khát lập chiến công đền ơn vua, báo nợ nước: Nam nhi vị liễu công danh trái (Công danh nam tử còn vương nợ) – Thuật hoài, Phạm Ngũ Lão.
Trên trận địa cờ tướng, tốt tuy là quân bé nhất, thường bị hy sinh trước tiên để đổi lấy ưu thế cục bố nhưng luôn anh dũng tiến bước về phía trước. Nó được ví như những người chiến sĩ can trường, chiến đấu với tinh thần cảm tử để bảo vệ nước nhà. Khi chưa qua sông, tốt chỉ là một người lính bình thường. Nhưng khi vượt hà thành công, tốt có sức mạnh bằng một nửa xe, nhiều khi làm nên công trạng oanh liệt:
Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công
(Học đánh cờ – Hồ Chí Minh).
Với người phương Đông, chiến thuật chơi cờ tướng nằm ở chỗ dàn binh bố trận và điều quân khiển tướng giống như nghệ thuật dùng binh thời xưa. Bởi vậy không ít cao nhân ngày trước nhờ vận dụng cờ tướng mà thắng trận thật ngoài đời. Nay người chơi không còn cần vận dụng để đánh trận, chiến đấu nhưng qua cuộc cờ, người ta rút ra được nhiều bài học quý giá giúp sửa tính cách, cải thiện thái độ, khiến người hay – tâm sáng hơn.
Cờ tướng “vỉa hè” – thú chơi dân dã
Cứ sáng sớm hay chiều tà trên vỉa hè, cạnh quán nước hay một ngõ phố tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, ta thường bắt gặp hình ảnh những nhóm người chụm đầu, mải miết bên bàn cờ tướng. Người ta gọi đó là “cờ tướng vỉa hè”.
Ở một quán nước trên đường Phan Đình Phùng, dưới tán cây trứng cá xòe rộng, mát rượi có một bàn cờ gỗ nhỏ, quân cờ có khi đủ, có khi cái nắp chai thay cho quân cờ bị thiếu, nhưng lúc nào cũng có bốn năm người lớn ngồi chơi. Đó là quán nước của ông Trần Văn Nhị, số nhà 47. Bên ấm trà, hơi nóng quện với khói thuốc lá, tiếng điếu cày rít sòng sọc hòa với tiếng nói cười rôm rả là những cuộc đấu trí nhẹ nhàng, thoải mái hay căng thẳng đến gay cấn.
Chơi cờ tướng, người xưa có câu Quan kỳ bất ngữ chân quân tử (Xem cờ không nói mới thật quân tử). Nhưng với “hội cờ vỉa hè”, câu nói ấy không bao giờ có giá trị. Người xem vây quanh bàn cờ, mỗi người một câu ai cũng muốn mách nước cho người chơi khiến cuộc cờ trở nên ồn ào và kịch tính. Tiếng đập quân cờ bôm bốp, vang dồn còn hấp dẫn cả lũ trẻ con đang tìm hái quả trứng cá gần đó. Hễ người lớn ăn được quân nào bỏ ra là lũ trẻ lại chạy vào tranh nhau lấy cầm chơi. Chúng cũng bắt chước gõ hai quân cờ vào nhau kêu canh cách rồi cười khoái trí.
Ngày trước, chỉ những người có tuổi mới có thú chơi này.
Còn bây giờ, người chơi phong phú, đa dạng hơn nhiều. Quán nước nhà ông Nhị, hội cờ có đủ thành phần: công chức nhà nước, nhân viên nhà hàng, người buôn bán quanh đó, khách đi đường ngang qua thấy bàn cờ cũng tạt vào xin làm vài ván. Đã ngồi vào bàn cờ thì chẳng phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, tất cả đều bình đẳng để cùng được thỏa cái thú “điều binh khiển tướng”. Những mái đầu xanh, bạc cùng chụm quanh bàn cờ. Mới đấy còn xa lạ, vậy mà chỉ sau một ván cờ, họ đã trở nên thân quen, chuyện trò vui vẻ.
Chơi cờ tướng không dành cho những người nóng vội. Nó là thú vui rất tốn thời gian, phải động não suy nghĩ, đi một nước phải tính trước hai, ba nước tiếp theo. Mặc nhịp sống vội vã xung quanh, dưới gốc trứng cá này, những ván cờ mất hàng giờ đồng hồ, thậm chí hàng buổi, vẫn diễn ra với những tiếng vỗ đùi sảng khoái, những câu chuyện không đầu không đuôi… Mới thấy cuộc đời sao đơn giản thế, họ như đang sống chậm lại mà hưởng thụ cuộc sống qua một thú vui quá đỗi bình dị.
Ở quán cờ ông Nhị, người chơi dù chẳng cao cờ gì nhưng lại rất mê cờ, đã ngồi vào bàn thì khó rứt ra được. Ông Nguyễn Văn Tiến (58 tuổi), khách ruột của “hội quán” không ít lần mải cờ quên cơm. Những lần quá bữa mới về, ông đều bảo vợ con: “Chơi cờ sảng khoái đầu óc, quên cả đói!”.
Tưởng ông nói chơi, hóa ra thật. Ông từng mắc bệnh loạn thần do cao huyết áp, hay nói linh tinh, tính tình nóng nảy, thường đánh vợ con. Vào viện điều trị, bệnh cũng thuyên giảm, nhưng hễ suy nghĩ nhiều ông lại tái bệnh. Vậy mà từ hồi nhập hội “cờ tướng vỉa hè” đến giờ, mấy năm liền ông không phát bệnh, tinh thần vui vẻ, hoạt bát hơn rất nhiều. Vợ ông bảo: “Có bận, ông ấy bị đau cơ chẳng nhấc tay được, phải đi tiêm thuốc, thế mà ra quán ông Nhị, vẫn thấy ông ấy đập cờ bôm bốp!”. Rồi bà chép miệng: “Chẳng biết cờ tướng có cái gì thú vị mà ông ấy lại ham đến thế!”. Bà than vãn vậy nhưng thực lòng thấy ông khỏe, cái bệnh “mãn tính” đáng sợ kia không tái phát nữa, là bà mừng lắm.
Ở cổng phụ bệnh viện Đa khoa Trung ương, trên đường Hoàng Văn Thụ, cũng có một bàn cờ tướng “vỉa hè”. Bàn cờ bằng tấm phooc mica đã mòn vẹt 4 cạnh, sơn bong tróc, lấm tấm những vết mốc, thế mà vẫn có hấp lực với bao người. Chủ nhân của nó là một người lái xe ôm, tên Thi, 55 tuổi, tranh thủ những lúc vắng khách bày bàn cờ ra chơi. Bàn cờ đặt tạm trên chiếc ghế tre của quán cơm Lan Chiến. Người chơi mượn ghế chủ quán, gọi cốc trà đá, là có thể ung dung đánh cờ cả buổi.
Vì “họp” ngay trên hè phố tấp nập người qua, lại gần cổng viện nên người chơi, người xem lúc nào cũng đông. Chị chủ quán cơm Lan Chiến cười: “Ngày nào họ cũng chơi cờ ở đây. Ham lắm. Có người đi mua cơm, mải xem, cả tiếng đồng hồ mới mang được cơm về. Đến anh đánh giày đi qua cũng ngẩn người đứng xem rõ lâu”. Nhân lúc đợi khách, anh Dương Văn Pha (36 tuổi) cũng nhập hội “cờ vỉa hè”, chia sẻ: “Mình lái taxi, chạy xe trên đường, đầu óc căng thẳng; rồi cuộc sống lúc nào cũng phải lo cơm áo gạo tiền nhưng khi chơi cờ thì quên hết mọi thứ, mọi gánh nặng như quẳng được sang một bên, dù ngắn ngủi chỉ trong một ván cờ nhưng thấy thảnh thơi, xả strees nhiều lắm!”.
Hội tụ đam mê
Khác với không khí rôm rả của cờ tướng “vỉa hè”, ở đây lại yên tĩnh đúng chất đấu trí dành cho hai người. Những bàn cờ tướng xếp liền nhau. Mỗi bàn cờ chỉ có hai người ngồi chơi cùng một chiếc đồng hồ tính giờ. Sự im lặng và hương cà phê vấn vít, tất cả chỉ có vậy. Thỉnh thoảng tiếng đập cờ vang lên nhưng nhẹ nhàng mà dứt khoát. Đó là quán cà phê Tâm, số 4, tổ 10, phường Đồng Quang, với không gian nhỏ, bàn ghế nhựa bình dân, nhưng lại là nơi sinh hoạt thường xuyên và đều đặn của Câu lạc bộ (CLB) Cờ tướng Thái Nguyên.
CLB có 24 hội viên, đến từ nhiều ngành nghề khác nhau: giảng viên đại học, doanh nhân, bác sĩ… nhưng hầu hết các thành viên đều nằm trong tốp đầu các đấu thủ mạnh của tỉnh và giành được nhiều giải thưởng. Các vô địch Giải Cờ tướng tỉnh 3 năm liên tiếp (2014 – 2016), cùng vô địch Cờ tướng khối Các cơ quan tỉnh hơn 10 năm nay đều thuộc về các thành viên CLB với những cái tên quen thuộc: Nguyễn Thái Minh, Phan Tiến Dũng, Hoàng Thái Sơn, Nguyễn Quang Huy, Ngô Ngọc Linh…
Dù nguồn kinh phí tự túc (hội phí 50 nghìn/tháng/hội viên), CLB vẫn trang bị được 10 bàn cờ và 5 đồng hồ thi đấu. Tuy mới thành lập và hoạt động tự phát được hơn nửa năm nhưng CLB đã trở thành điểm đến hấp dẫn, không chỉ là nơi tập luyện, giao đấu của các kỳ thủ mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người mang trong mình tình yêu, niềm đam mê với bộ môn cờ tướng.
Ngoài thời gian rảnh, các hội viên đến với cà phê Tâm, vừa thưởng thức ly cà phê đậm đà, vừa luyện cờ, cứ đều đặn 9h sáng chủ nhật hàng tuần, tại đây, CLB lại tổ chức kỳ đài (ván đấu giữa đài chủ – một danh thủ nổi tiếng với người thách đấu gọi là công đài) cho hội viên nhằm tuyển chọn kỳ thủ đứng đầu cầm đài (đài chủ).
Những ngày này, quán nhộn nhịp hẳn lên. Ngoài các hội viên còn có những người yêu thích cờ tướng đến xem. Tuy chỉ là một sân chơi nhỏ nhưng không khí khá sôi nổi và căng thẳng. Tùy vào năng lực người cầm đài mà CLB cử người thách đấu. Mỗi một buổi kỳ đài chỉ đánh một trận công đài duy nhất giữa người cầm đài và người thách đấu. Kỳ thủ thắng trận sẽ là người vinh dự được nhận chức đài chủ và đánh trận công đài với người thách đấu vào chủ nhật tuần tới.
Những cuộc kỳ đài được tổ chức để các thành viên được giao lưu, cọ xát thi đấu, học hỏi bạn cờ, thu nạp kinh nghiệp, nâng cao kỳ nghệ và hơn hết là được thỏa niềm đam mê cờ tướng. Đây cũng là lí do khiến CLB có thể duy trì hoạt động và ngày một có sức hút như bây giờ. Anh Hoàng Thái Sơn – Chủ tịch CLB chia sẻ: “Trước khi chính thức thành lập CLB, chúng tôi đã quen biết và chơi với nhau. Cờ tướng chính là cầu nối để anh em biết và gắn bó với nhau đến tận bây giờ.”
Dù hầu hết đều trẻ tuổi nhưng khi tiếp xúc lại thấy ở các anh sự điềm tĩnh, phong thái tự tin, chững chạc. Anh Dương Tiến, hội viên CLB tâm sự: “Chơi cờ tướng giúp mình học được sự điềm đạm trong giao tiếp hàng ngày, bình tĩnh, không nóng vội, hấp tấp khi xử lý các tình huống bất ngờ trong cuộc sống. Còn trong công việc, luôn suy nghĩ chín chắn và xây dựng kế hoạch cụ thể”. Dù rất say mê với cờ tướng, nhưng mỗi người đều có gia đình và công việc bận rộn. Các anh luôn nhắc nhau phải biết cân bằng giữa niềm đam mê với cuộc sống thực. Đó chính là cách để các anh duy trì CLB – niềm đam mê của bản thân nhưng vẫn không quên trách nhiệm với gia đình, xã hội.
Là nơi tập hợp những cán bộ đảng viên, lãnh đạo các cấp, ngành và lực lượng vũ trang đang nghỉ chế độ trên địa bàn, CLB Hưu trí Thái Nguyên cũng có một Tổ Cờ tướng với 12 tổ viên. Được bố trí phòng riêng rộng rãi, có điều hòa nhiệt độ, điện nước đầy đủ nên cứ 2 giờ chiều mỗi ngày, các tổ viên cùng những cộng tác viên (những người yêu cờ tướng nhưng chưa đủ điều kiện để trở thành hội viên của CLB) đều tích cực đến sinh hoạt, luyện cờ. Ngoài tự tổ chức các giải cờ tướng nội bộ cho các tổ viên cọ xát, nâng cao kĩ năng chơi cờ, CLB còn thường xuyên giao lưu thi đấu với các CLB tỉnh bạn, tích cực tham gia các giải cờ tướng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Riêng năm 2016 vừa qua, CLB đã đạt giải Nhất (nhóm trên 70 tuổi Giải Cờ tướng trung cao tuổi toàn quốc); Nhì (Giải Cờ tướng người cao tuổi tỉnh); và Ba (Giải Cờ tướng tỉnh).
Đã sinh hoạt và gắn bó 15 năm với CLB, ông Phạm Đức Duyến (76 tuổi, Tổ phó Tổ Cờ tướng) bộc bạch: Tổ Cờ tướng được thành lập cũng giống như các tổ khác trong CLB, là nơi để những người đã về hưu như chúng tôi được rèn luyện thân thể, trí tuệ, tăng thêm sức khỏe; gặp gỡ, chuyện trò, vui tuổi về già. Chúng tôi sinh hoạt với phương châm: “Sống vui, sống khỏe và sống có văn hóa” để trở thành những tấm gương cho con cháu học tập.
Để có được phong trào cờ tướng hoạt động tích cực như hiện nay có một phần không nhỏ nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo của Liên đoàn Cờ tỉnh Thái Nguyên khi luôn cố gắng phối hợp với các ban ngành, các CLB… tổ chức các giải chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, giải phong trào… nhằm đẩy mạnh và nâng cao phong trào cờ tướng trên toàn tỉnh.
Có thể ranh giới giữa niềm đam mê và thói cờ bạc là rất mỏng manh, người chơi sẵn sàng “độ” với nhau, nhẹ thì điếu thuốc, cốc nước, nặng thì một số tiền lớn, nhưng đó chỉ là số ít. Phần đa người Thái Nguyên coi cờ tướng như một thú vui, một niềm đam mê giúp thanh lọc tâm hồn, sống chậm lại, học cách đối nhân xử thế giữa những bon chen, nghiệt ngã đâu đó của cuộc đời
Nguồn: Báo Văn nghệ Thái Nguyên
0 bình luận