So sánh sức mạnh các quân cờ khi khai cuộc


Trong một ván cờ, trung cuộc và tàn cuộc mỗi giai đoạn góp 30% chiến thắng trong khi khai cuộc góp đến 40% tỷ lệ chiến thắng của một ván cờ. Vì sao lại có điều này? nhiều người cho rằng trung cuộc phải chiếm 40% chứ? điều này mình sẽ giải thích ngay phần dưới.

Vài nét về lịch sử phát triển khai cuộc 

Để có thể tiếp cận với Cờ Tướng một cách thuận lợi, chúng ta cần tìm hiểu qua những chặng đường phát triển của nó, đặc biệt là tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của những thế trận xuất quân, tức là khai cuộc. Từ việc tìm hiểu này chúng ta sẽ có cái nhìn bao quát và dự kiến được phần nào triển vọng của Cờ Tướng nói chung và các kiểu khai cuộc nói riêng trong tương lai.

Những thế khai cuộc đầu tiên xuất hiện từ khi nào?

Những thế trận khai cuộc đầu tiên xuất hiện là những trận đấu Pháo, gồm Thuận PháoNghịch Pháo (những thế trận này mình sẽ trình bày trong các phần tiếp theo). Theo các nhà nghiên cứu thì những thế trận này rất sôi nổi và thịnh hành trong suốt nhiều thế kỷ. Do đó mà những quyển kỳ phổ cổ xưa nhất chỉ đề cập đến các kiểu chơi này.

Như Du hí đại toàn (?), Kim bằng thập bát biển, Thích tình nhã thú và đặc biệt là Quất trung bí giới thiệu khá sâu sắc về các trận Thuận Pháo và Nghịch Pháo. Trong các thế kỷ 15, 16 bắt đầu xuất hiện nhiều kiểu chơi mới, nhưng phải đến cuối thế kỷ 17, sau khi Vương Tái Việt xuất bản quyển Mai hoa phổ thì các trận Bình Phong Mã, Đơn Đề Mã, Chuyển Giác Mã và Quá Cung Pháo mới thực sự thịnh hành (Những kỳ phổ này mình sẽ giới thiệu chi tiết hơn trong phần tài liệu cờ tướng).

Sách cờ tướng mai hoa phổ
Sách cờ tướng mai hoa phổ

Khai cuộc trung đại ra sao?

Có thể nói Cờ Tướng từ khi định hình đến thế kỷ 19 là thời kỳ khai phá, xây dựng nền tảng với sự xuất hiện nhiều chiến lược dàn quân cơ bản để vào thế kỷ 20, Cờ Tướng tiến lên thời kỳ phát triển rực rỡ đầy sáng tạo. Thế nhưng nhìn lại chặng đường từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19, ngoài một số thành tựu đáng phấn khởi, cũng cần thấy những mặt hạn chế của thời đại.

Đó là số lượng kỳ phổ cờ tướng còn lưu lại quá ít và các danh kỳ viết sách, phần lớn nặng về “chủ nghĩa kinh nghiệm” chứ chưa có sự phân tích, lý luận để làm sáng tỏ các vấn đề. Mặt khác, các tài liệu, sách cổ thường không khách quan, trình bày các thế trận thiên lệch một bên nên không thuyết phục cao người xem.

Một số thế trận mang tư tưởng tấn công táo bạo, bất chấp nguy hiểm và không cần đếm xỉa gì đến thế phòng thủ bên nhà, chỉ biết tấn công chiếu bí cho được Tướng đối phương mà thôi. Điều này cho thấy các tài liệu, sách vở thời xưa chưa đặt vấn đề nghiên cứu một cách công bằng và khách quan để người sau có thể kế thừa và phát huy một cách thuận lợi.

Khai cuộc hiện đại có gì khác biệt?

Sang thế kỷ 20, các danh thủ kế thừa tất cả những tinh hoa, thành tựu của những thế kỷ trước nhưng đồng thời cũng thấy những mặt hạn chế trên nên họ ra sức sáng tạo bổ sung. Với quan điểm đúng đắn, khách quan, họ nghiên cứu nhiều kiểu khai cuộc mới có kết hợp giữa lý luận và thực tiến, so với những quyển kỳ phổ cổ xưa thì có một khoảng cách rõ rệt.

Những thế trận mới ra đời

Các thế trận mới như Tiên nhân chỉ lộ, Phản Công Mã, Thiết Đơn Đề, Uyên Ương Pháo, Sĩ Giác Pháo… đều là những sáng tạo của các danh kỳ ở thế kỷ này, đã làm cho các kiểu ra quân thêm phong phú, đa dạng. Thế nhưng các danh kỳ đương đại không dừng lại đó. Cùng với những trào lưu cách tân, đổi mới trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thẩm mỹ, âm nhạc, hội họa… làng cờ cũng có nhiều tư duy mới.

Dưới đây là ván cờ độc đáo làm mãn nhãn những người trong giới cờ tướng, ván cờ Thái Cực Quyền giữa Hồ Vinh Hoa (quân đen) vs Lý Lai Quần (quân đỏ) trong thực chiến khai cuộc hiện đại.

Thật vậy, làng cờ Trung Quốc cũng như làng cờ Việt Nam và nhiều nước khác từ các thập niên 60, 70 bỗng nổi lên những luồng gió mới muốn “cách tân” nhiều thế trận xưa cũ mà nhiều người đã bắt đầu nhàm chán, để tạo ra những kiểu chơi mới hấp dẫn, sinh động hơn.

Tư tưởng chiến lược dàn quân hiện đại tuân thủ các nguyên tắc ra quân, tức là triển khai toàn diện quân hai cánh rồi mới bắt đầu mở những đợt tấn công. Đa số các danh thủ đương đại đều thiên về tư tưởng tấn công nhưng không mạo hiểm, liều lĩnh đến mức “chiến thắng hay là chết” mà phương châm phải là “phi thẳng tất hoà”.

Mục tiêu thay đổi rõ rệt

Do đó mục tiêu chính trong giai đoạn khai cuộc chủ yếu là giành thế chứ không phải là ăn quân. Nếu đi trước thì phải duy trì lâu dài quyền chủ động tiến lên chiếm ưu thế và phát huy ưu thế càng lúc càng lớn hơn. Ngược lại bên đi sau cố gắng tranh giành các vị trí tốt, hạn chế quyền chủ động của đối phương tiến lên đạt thế cân bằng và giành quyền chủ động.

Vấn đề thế và lực lượng như trên đã nêu, các danh thủ đều nhất trí với các quan điểm của những người đi trước và biết tận dụng tạo nên nhiều tình huống căng thẳng, quyết liệt. Tiêu chuẩn của những ván cờ hay chính là có nhiều tình huống gay cấn, căng thẳng và có những đòn đánh phối hợp lý thú.

Do đó kiểu chơi mới thường có những trường hợp hi sinh quân để lấy thế, đồng thời né tránh những kiểu đổi quân đơn giản để tạo cho thế cờ thêm phức tạp. Những tình huống “các hữu cố kỵ” tức là hai bên đều có những chỗ nguy hiểm “chết người”, ngày trước người ta không dám thực hiện thì ngày nay các danh thủ lại thích chơi, thử thách thần kinh lẫn nhau.

Để duy trì thế căng thẳng, phức tạp họ thường chuyển thế trận ban đầu thành những thế trận khác, như từ Đơn Đề Mã thành Bán Đồ Liệt Thủ Pháo, từ Thuận Pháo thành Bình Phong Mã, Phản Công Mã hay ngược lại. Điều này đòi hỏi những người chơi cờ hiện đại phải có một kiến thức rất uyên bác về nhiều loại khai cuộc khác nhau.

Tóm lại, lịch sử hình thành và phát triển khai cuộc là một quá trình tiến lên không ngừng, từ chủ nghĩa kinh nghiệm đến tinh thần khoa học, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, từ sơ khai đến hoàn thiện và ngày càng hoàn thiện ở đỉnh cao hơn.

Biết được lịch sử hình thành và phát triển này để chúng ta luôn luôn nhạy bén với những cái mới, nắm bắt được những thành tựu đương đại. Trên cơ sở này chúng ta cần phát huy ngày một cao hơn, làm cho Cờ Tướng mãi mãi là một trò chơi trí tuệ luôn hấp dẫn, sinh động đối với cuộc sống của con người.

Ý nghĩa và tầm quan trọng 

Xét theo thứ tự thời gian, một ván cờ thường được chia làm ba giai đoạn: khai cuộc, trung cuộc và tàn cuộc. Sự phân chia này tuy có tính cách qui ước nhằm dễ dàng nghiên cứu nhưng nó phản ánh một thực tế là có giai đoạn mở đầu rất quan trọng.

Bao nhiêu nước đầu tiên là khai cuộc?

Khai cuộc kéo dài từ 8 đến 12 nước đi đầu tiên đây là giai đoạn quan trọng nhất. Sở dĩ nói giai đoạn này rất quan trọng vì nó thực sự có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ quá trình diễn biến ván cờ.

Ta thấy nhiều ván do khai cuộc tồi nên kết thúc sớm, không có giai đoạn tàn cuộc, thậm chí do khai cuộc lỗi lầm nghiêm trọng cũng không có cả giai đoạn trung cuộc.
Nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của khai cuộc phải trải qua nhiều chặng đường lần lần mới sáng tỏ, vì không phải từ thời xa xưa các tay cờ đã có ngay được những nhận thức đúng đắn. Bởi thời trước, hầu hết các tay cờ đều nhận định rằng ván cờ căng thẳng, quyết liệt và nổi rõ sự hơn kém là ở giai đoạn trung cuộc và tàn cuộc.

Như vậy theo họ nghĩ, hai giai đoạn sau phải quan trọng, quyết định hơn giai đoạn đầu. Với nhận thức như thế nên họ chỉ quan tâm nghiên cứu trung cuộc và tàn cuộc, ít khi chịu gia công học tập và nghiên cứu khai cuộc. Trong khi đó một số danh kỳ các thế kỷ trước có lúc đua nhau nghiên cứu tổng kết cờ tàn và cờ thế nên vô hình trung củng cố thêm những nhận thức lệch lạc trên.

Điều tệ hại là nó tác động khiến một số tay cờ có quan điểm đánh giá rất thấp vai trò của khai cuộc và coi như không cần thiết phải nghiên cứu.

Họ nghĩ “vô chiêu thắng hữu chiêu” là không cần học tập, chơi không bài bản cũng thắng được những người chơi theo sách vở, nhưng họ không biết muốn chơi được kiểu “vô chiêu” lại càng phải nghiên cứu, học tập kỹ hơn ai hết.

Chơi khai cuộc tốt thì mới có một trung cuộc ưu thế và từ một trung cuộc ưu thế mới dẫn về một tàn cuộc thắng lợi. Tuy nhiên để thấy rõ tầm quan trọng nổi bật của khai cuộc người ta thường nêu một tỷ lệ đáng tham khảo là phần khai cuộc quyết định 40%, còn phần trung và tàn cuộc mỗi giai đoạn quyết định khoảng 30%.

Tóm lại, khai cuộc là giai đoạn triển khai các lực lượng, khởi sự từ nước đi đầu tiên và chấm dứt với sự điều động hầu hết các quân chủ lực ở cả hai cánh để tạo thành một thế trận tấn công hoặc phòng thủ. Việc hình thành một thế trận phải xuất phát từ một kế hoạch hẳn hoi, đó là chiến lược dàn trận của người điều khiển trận đấu.

Mục tiêu

Bài học đầu tiên cho những người mới học chơi cờ đã chỉ rõ “chiếu bí Tướng đối phương là mục tiêu chính của ván cờ”, nhưng trong giai đoạn khai cuộc, mục tiêu này chỉ là một mục tiêu phụ.

Bởi lẽ giai đoạn này các quân cờ mới được triển khai, chưa có điều kiện gì để bắt bí Tướng đối phương. Tất nhiên trong một vài trường hợp hãn hữu, gặp phải đối phương chơi quá tồi hay đãng trí thế nào đó ta cũng có thể bắt được Tướng ngay trong khai cuộc.

Nhưng với những đối thủ tương đối có trình độ thì mục tiêu trong khai cuộc phải đặt thấp hơn, không thể chủ quan đặt mục tiêu quá cao, sẽ là điều không tưởng đối với những người chơi cờ ngay nay. Hẳn nhiên những mục tiêu đề ra trong khai cuộc phải luôn gắn với mục tiêu tối hậu và chiếu bí kẻ địch.

Giành thế cờ đẹp

Những nước triển khai quân hợp lý, chính xác trong khai cuộc sẽ tạo một nền tảng vững chắc cho một thế trận trước khi chuyển sang giai đoạn trung cuộc. Như vậy mục tiêu ban đầu trong khai cuộc là các quân phải cố giành cho được những vị trí thuận lợi trên bàn cờ, tiếp đó là tiêu diệt một bộ phận nhỏ sinh lực địch – thường là một hai con Tốt.

Từ những thắng lợi nhỏ đó dẫn đến những ưu thế làm nền tảng vững chắc cho trung cuộc và tàn cuộc. Mặt khác cũng đòi hỏi trong thế trận của ta không được có những điểm yếu – những điểm mà ta phải luôn canh chừng đối phương khai thác gây khó khăn cho ta. Ngược lại, ta phải cố gắng không cho đối phương chiếm những vị trí tốt, tìm cách phong tỏa ngăn cản để đối phương triển khai càng chậm càng tốt hoặc uy hiếp, đe dọa ngay những điểm yếu của họ.

Trong Cờ Tướng người ta thường phân biệt các trường hợp để đánh giá: nếu ta đi trước, các quân chiếm vị trí tốt và chực chờ tấn công, buộc đối phương phải đề phòng đối phó, người ta gọi đó là giành quyền chủ động, ngược lại là đối phương bị động. Đó là mức thấp nhất của một ưu thế. Trường hợp ta tiêu diệt 1-2 con Tốt hoặc Mã thì chỉ mới là lời quân, nếu ta đồng thời cũng giữ quyền chủ động thì đó mới là một ưu thế.

Tiêu diệt một phần sinh lực địch

Trong mục tiêu khai cuộc một phần cần thiết là tiêu diệt một phần sinh lực địch, có khi người ta cũng nhằm đến việc lời Sĩ hoặc Tượng của đối phương để chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho giai đoạn trung, tàn cuộc sau này. Bên đi hậu vốn phải bị động chống đỡ cần cố gắng chơi chính xác để không cho đối phương khai thác tấn công, lần lần đưa đến thế cân bằng. Nếu đối phương sơ hở phải kịp thời khai thác trả đòn giành lại quyền chủ động rồi tiến lên giành ưu thế.

Lúc này cần nói rõ thêm vấn đề ưu thế với vấn đề lời quân, lời chất. Vì những vấn đề này thường xuyên đặt ra cho mọi đối thủ, đặc biệt là thường nẩy sinh ngay trong khai cuộc.

Từ thế kỷ 16, 17 các danh kỳ đã nhận thức đúng đắn về hai yếu tố này nên bài “Kỳ kinh luận” có ghi: “Bỏ quân cần được nước tiên. Bắt quân chớ để hậu thủ”. Chu Tấn Trinh viết quyển “Quất trung bí” đã lặp lại quan điểm này trong bài “Toàn chỉ” của mình và cho đến nay dù trình độ cờ đã phát triển rất cao, vẫn chưa có một danh thủ nào tỏ ra phản bác quan điểm trên.

Những cơ sở để đánh giá một thế cờ 

Khi tiến hành so sánh thực lực hai bên của một ván cờ, luôn luôn phải đánh giá đi đánh giá lại tình hình diễn biến của nó. Đánh giá không phải chỉ để biết ta đang bị động, cân bằng hay chủ động, hoặc đang ưu thế hay kém phân, mà đánh giá còn để biết những chỗ mạnh, chỗ yếu của ta cũng như của đối phương. Từ đánh giá, nhận định đúng thực chất tình hình thế trận, mới có thể đề ra một kế hoạch chơi tiếp ở giai đoạn sau.

Thông thường, nếu đánh giá tổng quát để biết ai ưu thế, ai kém phân, người ta chỉ cần xem xét hai yếu tố nước tiên và thực lực, còn như đánh giá toàn diện đầy đủ các mặt thì phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:

Vị trí các quân chủ lực

Xem xét vị trí các quân chủ lực gồm các quân Xe, Pháo và Mã là để thấy chúng có khả năng kiểm soát các đường ngang, đường dọc hoặc các điểm trên bàn cờ. Nếu các quân kiểm soát được nhiều đường nhiều điểm và có tính cơ động cao thì đó là chúng có vị trí tốt, có thể tiến sang tấn công hoặc cần thiết có thể quay về phòng thủ.

Ở đây không dừng lại sự đánh giá một cách chung mà cần thiết phải đánh giá vai trò, tác dụng từng quân cờ của ta cũng như của đối phương. Khi mới học chơi cờ, ta biết sức mạnh của một Xe bằng hai Pháo hoặc bằng hai Mã cộng với một Tốt. Đó là đơn thuần so sánh sức mạnh vốn có của các quân mà không nói gì đến vị trí của chúng.

Nhưng khi tiến hành trận đầu thì các quân luôn đứng ở những vị trí khác nhau, có quân ở vị trí tốt, có quân ở vị trí xấu. Như vậy việc so sánh sức mạnh giữa các quân phải căn cứ vào sức mạnh và vị trí của nó tức là lực và thế của nó.

Như nói Xe 10, Pháo 5, Mã 4,5; đó là sức mạnh vốn có hay là “lực” của từng quân, còn vị trí của nó đứng sẽ tạo nên một cái “thế” riêng biệt. Ta thấy lực của một quân cờ có thể tăng thêm hoặc giảm đi do thế đứng tốt hay xấu. Trong từng ván cờ cụ thể, ta thấy đôi khi Mã mạnh hơn Pháo hoặc mạnh hơn Xe, thậm chí Tốt có khi mạnh hơn cả Pháo lẫn Xe.

–  Lạc nước, hai Xe đành bỏ phí

Gặp thời, một Tốt cũng thành công.

– Thơ Hồ Chủ tịch –

Sức mạnh của từng quân cờ

Để giúp người mới học chơi cờ biết được sức mạnh vốn có của các quân, những nhà nghiên cứu đã đưa ra một bảng so sánh như sau:

Nếu khởi đầu lấy con Tốt làm chuẩn để định giá trị sức mạnh của nó là 1 thì các quân khác có giá trị so sánh là:

  • Mã 4,5
  • Pháo 5
  • Xe 10
  • Sĩ 2
  • Tượng 2,5
  • Tướng không định được, vì mất Tướng bị xử thua nên không thể so sánh. Tuy nhiên trong một số trường hợp Tướng cũng có thể trợ công khiến nó có giá trị bằng một trong ba loại quân chủ lực.

Nói Tốt có sức mạnh là 1 nhưng khi đã qua hà phải đánh giá sức mạnh của nó là 2. Trường hợp có hai Tốt qua hà mà chúng liên kết được với nhau phải thấy sức mạnh nó tăng lên, không phải 2 + 2 = 4 mà phải là 4, 5 hoặc 5, nghĩa là tương đương sức mạnh của một Mã hoặc một Pháo. Còn con Tốt đầu cũng phải thấy nó quan trọng hơn các con Tốt khác.

Không phải chỉ có các Tốt qua hà liên kết mới tăng thêm sức mạnh mà các quân chủ lực có chỗ đứng tốt, liên kết phối hợp nhau, sức mạnh của chúng cũng được nhân lên nhiều hơn, khác hẳn với trường hợp chúng đứng riêng lẻ, tản lạc.

Với bảng giá trị trên cho phép các đấu thủ tính toán thiệt hơn khi đổi quân, nhưng đó chỉ là sức mạnh ban đầu, còn sức mạnh thực tế thì phải xem xét kỹ vị trí của từng quân trong một thế cờ cụ thể. Không thể đổi một con Mã hay lấy một con Pháo dở thậm chí lấy một con Xe dở mà tưởng là lời chất để rồi xổng mất ván cờ.

Yếu tố lực lượng 

Lực lượng là một yếu tố quan trọng thường quyết định thắng lợi của ván cờ. Nếu không có những tình huống sơ hở để bị các đòn phối hợp chiếu bí thì thường bên nào hơn quân hoặc hơn chất sẽ giành thắng lợi cuối cùng. Như Xe, Pháo, Mã phải thắng Xe, Mã bền Sĩ, Tượng hoặc Xe, Pháo và một Tốt phải thắng Xe bền Sĩ, Tượng.

Tuy nhiên như trên đã nêu, quân cờ bao giờ cũng có lực và thế cho nên không phải chỉ tính sức mạnh đơn thuần bằng quân số. Điều này giải thích vì sao có nhiều ván cờ đông quân hơn mà thua, ít quân hơn mà chiến thắng, đó là do thế cờ quyết định. Mà thế cờ là do nhiều quân tạo nên, chúng liên kết phối hợp nhau làm tăng sức mạnh của chúng. Do đó yếu tố lực lượng thường được nêu ra sau yếu tố vị trí của các quân.

Thế nhưng cũng không nên cường điệu quá đáng yếu tố vị trí và đánh giá thấp yếu tố lực lượng. Có thể trong giai đoạn khai cuộc và trung cuộc thì yếu tố vị trí các quân giữ vai trò chi phối nhưng khi chuyển sang giai đoạn tàn cuộc thì yếu tố lực lượng càng lúc càng nổi rõ hơn.

Trong khi xem xét yếu tố lực lượng không thể xem nhẹ vai trò của các quân Tốt. Tạm thời một lúc nào đó, các Tốt chưa đóng vai trò gì đáng chú ý, nhưng khi bắt đầu kết thúc giai đoạn khai cuộc, chuyển qua trung cuộc thì các Tốt thường nổi lên như những nhân tố quan trọng, thậm chí quyết định thắng, bại hay hòa trong giai đoạn trung tàn. Nêu điểm này để thấy, ngay trong giai đoạn khai cuộc các danh thủ thường đặt mục tiêu giành thế chủ động và kiếm lời Tốt là tốt lắm rồi.

Yếu tố hệ thống phòng thủ 

Đánh giá một thế cờ phải đánh giá cả hệ thống phòng thủ của hai bên. Hệ thống phòng thủ chủ yếu là nói vai trò của các quân Sĩ, Tượng, cả Tốt đầu và 1-2 quân chủ lực bảo vệ, che chở chúng. Nếu chúng được bố trí trong thế liên hoàn, gắn bó chặt chẽ nhau để nương tựa nhau, bảo vệ cho Tướng là một hệ thống phòng thủ mạnh và ngược lại là một hệ thống phòng thủ tồi, có khiếm khuyết.

Một bên có thể hơn về lực lượng nhưng không chắc giành được thắng lợi nếu đối phương có hệ thống phòng thủ vững chắc. Còn một bên tuy lực lượng ít hơn nhưng có khả năng giành chiến thắng do hệ thống phòng thủ của đối phương sơ hở hay sứt mẻ, không đủ sức chống đỡ.

Với kinh nghiệm trận mạc, các danh thủ có nhiều cách công phá các hệ thống phòng thủ, từ tấn công chính diện đến tấn công cánh. Nếu cần thiết, họ bỏ Mã đổi lấy Tượng, thậm chí bỏ cả Xe đổi lấy Sĩ để làm cho thế phòng thủ của đối phương yếu đi rồi phối hợp quân tiến lên chiếu bí. Tuy nhiên không phải bao giờ hi sinh quân để phá hệ thống phòng thủ của đối phương cũng đều giành được thắng lợi.

Trong từng thế cờ cụ thể, mới thấy rõ lúc nào hi sinh là đúng, lúc nào hi sinh là không đúng và cũng từ những kiểu tấn công này, những tay cờ chơi thường xuyên có nhiều kinh nghiệm, hiểu sâu bản chất của những hệ thống phòng thủ, phân biệt được thế nào là phòng thủ vững chắc, thế nào là phòng thủ kém hiệu quả.

Có nhiều chiến thuật phòng thủ, đôi khi nhìn bề ngoài tưởng là yếu kém nhưng lại đảm bảo hiệu quả hơn hết, ngược lại có một số hệ thống phòng thủ với các quân liên hoàn nhưng đó lại là hiện tượng bên ngoài, chỉ vững chắc tạm thời mà thôi; khi đối phương hi sinh quân, đột phá thì toàn bộ hệ thống tan rã rất nhanh chóng.

Cách đi tiên – cách đi hậu 

Khi tiến hành một ván cờ, dù đi trước hay đi sau đều phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong khai cuộc, vì đó chính là những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn. Nhưng các nguyên tắc được nêu trên chỉ mới là những định hướng, cần phải được cụ thể hóa rõ hơn. Do đó phần trình bày sau đây sẽ nêu thêm những kinh nghiệm cụ thể giúp các bạn mới học đỡ phải lúng túng khi cầm quân đi tiên hoặc đi hậu.

Cách đi tiên

Được đi trước tấn công đối phương là một lợi thế quan trọng vì người đi trước hoàn toàn chủ động lựa chọn thế trận theo ý thích và thường bắt buộc đối phương phải đối phó theo mình.

Những người chơi cờ cao thường phát huy có hiệu quả nước tiên đến mức chơi không thắng thì hòa chứ hiếm khi thua. Cho nên trong thi đấu Cờ Tướng xưa kia thường quy định một cặp đấu thủ phải gặp nhau trong hai ván thì mới công bằng, để mỗi người được đi trước một ván.

Pháo đầu công 

Như đã nói ở trên, trong năm con Tốt thì con Tốt đầu là quan trọng hơn cả vì nó là một quân trong hệ thống phòng thủ che chắn tiền đồn bảo vệ trung lộ, đồng thời có cơ hội nó tiến lên thành một mũi tấn công. Khi bên đi trước chơi Pháo đầu thì con Tốt 5 của Đen chính là mục tiêu đầu tiên của Pháo.

Thế trận Nghịch Pháo

Trận Pháo đầu đối đơn đề mã

Pháo đầu đối bình phong mã hiện đại

Mục tiêu có thể là con tượng đầu

Pháo đầu đối bình phong mã

Pháo đầu công bình phong Mã

…..

Thọc sườn địch

Trong ván cờ, cuộc chiến thường diễn ra ở ba mặt trận: chính diện hay là các trục lộ 4, 5 và 6 nhằm uy hiếp trực tiếp Tướng: chính diện hay các trục lộ 4, 5 và 6 nhằm uy hiếp trực tiếp Tướng; trắc diện hay là hai bên cánh, có thể là cánh mặt hay cánh trái. Bên đi tiên cần nhạy bén đánh giá cánh nào phòng thủ kém có thể chuyển mục tiêu từ trung lộ sang cánh, thường giành được thắng lợi.

Trận nghịch Pháo nguy hiểm

Trận nghịch Pháo đối công

Trận Pháo đầu phá bình phong mã hiện đại

Pháo đầu tuần hà Pháo công bình phong mã

…..

Cách đi hậu

Đi sau nói chung là phải phòng ngự chống đỡ, nhưng có nhiều thế trận bên đi sau vừa phòng ngự nhưng cũng đồng thời sẵn sàng phản công nếu đối phương chơi sai lầm hay tấn công không tích cực. Đó là các trận Thuận Pháo, Nghịch Pháo, Bình Phong Mã, Phản Công Mã và Thiết Đơn Đề. Sau đây chúng ta xem xét những trường hợp bên đi trước có sai sót, vi phạm nguyên tắc cơ bản của khai cuộc đã bị bên đi sau phản đòn giành chiến thắng.

Phản công trung lộ

Nếu bên đi trước coi Tốt đầu là mục tiêu lớn trong khai cuộc thì bên đi sau cũng luôn quan tâm mục tiêu này để tranh giành với đối phương. Trong một số trường hợp bên đi sau đánh trả uy hiếp ngay trung lộ của đối phương.

Cuộc Đấu Tranh Giành Làm Chủ Trung Lộ

Đen Cũng Đặt Mục Tiêu Vào Tốt Đầu

Trắng Sai Lầm Phải Trả Giá

Pháo Đầu Không Dễ Yên Thân

Không Vào Pháo Vẫn Bắt Được Tốt Đầu

Thuận Pháo Đi Sau Đẩy Tốt Đầu

Phòng Thủ Không Bằng Bắt Tốt Đầu

…..

Phản công hai cánh

Nếu bên đi tiên tấn công trung lộ thường kết hợp với tấn công cánh nào phòng thủ yếu kém của đối phương thì bên đi hậu cũng sẵn sàng phản công giống như vậy. Thế có nghĩa là nếu bên tiên chơi sai lầm hoặc tấn công thiếu tích cực thì bên đi hậu khai thác phản công và đôi khi việc phản công ở cánh thường giành thắng lợi.

Đòn Song Long Pháo “Quái Chiêu”

Phản Công Cả Hai Cánh

Trả Đòn ở Cánh Lời Quân Ngay

Đơn Đề Mã Cũng Biết Phản Công

Từ Phản Công Cánh Đến Trung Lộ

Uy Hiếp Trung Lộ Đến Phản Công Cánh

Tấn Công Và Phản Công ở Cánh

Những Phản Đòn Thuộc “Quái Chiêu”

…..

Còn rất nhiều thế cờ khai cuộc khác mình sẽ trình bày chi tiết về các đánh, đặt cạm bẫy, các biến thể và cách hóa giải, phá vỡ các thế cờ của các cao thủ cờ tướng nổi tiếng thế giới trong các phần tiếp theo.

Giờ hãy vào xem và chơi cờ tướng để đánh giá những gì bạn vừa đọc là chính xác không nhé!.

Giải cờ thế mỗi ngày

Lần này mình sẽ ra đề khó hơn các lần trước nên các bạn cố gắng nhé!. Đỏ đi trước đánh hòa cờ

Đỏ đi trước đánh hòa cờ
Hắc Phong

Hắc Phong hay còn gọi là (Hắc Phong Song Sát), đã từng lừng danh chốn giang hồ đã mai danh ẩn tính. Nay trở lại cờ tướng Ziga với ý định chia sẻ lại chút kiến thức và kinh nghiệm nhỏ nhoi trong nghề cờ vốn bạc bẽo nhưng đầy hấp dẫn này.

Có thể bạn cũng thích

0 bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Xem thêm từ: Kinh nghiệm chơi cờ tướng

Đừng bỏ lỡ