Thời kỳ bao cấp ở Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn luôn luôn có những sòng cờ, những quán cafe nơi đặt bản doanh của các tay cờ giang hồ nổi tiếng có thể kể ra như:
Mục lục
Quán cafe cờ tướng trên đường Nguyễn Thiện Thuật
Nơi này là chỗ đặt bản doanh của Tứ hùng Cheo Leo, đứng đầu là Long tức Nguyễn Thanh Khiết, thứ nhì là Hùng Sún tức Nguyễn Hữu Hùng, thứ ba là Nguyễn Bá Đạt, thứ tư là Nguyễn Bá Quyền xưng hùng xưng bá ở địa bàn quận Ba.
Tuy nhiên so với các cao thủ thời đó thì họ cũng còn kém xa, danh thủ Mai Thanh Minh đã nhận xét về Nguyễn Thanh Khiết như sau “dẻo dẻo vậy thôi, ăn được ván cờ rất lâu”, còn Hùng Sún thì “đánh có sáng tạo nhưng liều …”.
Quán cờ Hòa Hưng quận 10
Ở quận Mười có quán cờ Hòa Hưng, đi xuống cái hẻm thụt xuống dưới lòng lề đường. Nơi này là hang ổ của Việt xích lô (Trần Quốc Việt), Bảy Sang (Nguyễn Kim Sang).
Việt xích lô nổi tiếng giang hồ với chiêu Phản Công Mã hoành Xa, lúc đó anh Việt dưới Mai Thanh Minh khoảng 2 nước. Mai Thanh Minh nhận xét anh Việt là “Có một lối suy nghĩ vô cùng độc đáo, bài bản không nhiều nhưng nội lực cực mạnh”. Sau này mới có thêm danh thủ Đào Quốc Hưng tới đóng đô.
Quán cờ đường Ba Gia
Đi ngược lên phía Bà Quẹo tới Tân Bình quẹo trái vào đường Ba Gia là chỗ hùng cứ của Vua Tèo chính là kỳ thủ Tô Thiên Tường. Chạy suốt đường 3 tháng 2 quẹo trái vô chợ Thiết đây là chỗ chơi của danh thủ Hài chẩy Trịnh A Sáng hùng cứ một vùng.
Quán cờ đình Bình Phú
Mé đình Bình Phú là nhà của lão kỳ thủ Tiêu Diêu Khách Phạm A Sáng, ông là người cùng thời với Tất Kiên Dương (vua tàn cuộc), Trần Dụ Thám, Phạm Thanh Mai, Phạm Tấn Hòa.
Chợ An Đông quận 5
Chợ An Đông quận 5 là hang hùm của các kỳ thủ người Hoa như Hòa chảy Âu Thiếu Huê, Phán chảy, Mông Thế Hành, Dương Thanh Danh, anh em nhà Diệp gia. Anh em nhà Diệp gia hay nhất là Diệp Khải Dương. Chiêu xuất sắc nhất của anh em Diệp gia là Phản công Mã. Họ chuyên dùng chiêu này khi đi hậu để chơi với Pháo đầu, còn Phản công Mã của Trần Quốc Việt là chơi với mọi thế trận nên có phần biến hóa tinh vi hơn”.
Thời kỳ này Dương Thanh Danh cũng được liệt vào dạng cao thủ nổi tiếng với lối khai cuộc cực kỳ hài hòa, khi có thể kết thúc được ván cờ là anh kết thúc ngay. Tiếc rằng danh thủ Dương Thanh Danh sức khỏe kém nên kỳ nghệ bị ảnh hưởng và chuyển sang huấn luyện cho các kỳ thủ nhí năng khiếu cho thể thao quận Năm.
Quán cờ Gia Định Thành
Ở phía Gia Định Thành có Cốc Chủ – Nguyễn Bá Hùng hùng cứ một vùng Bình Thạnh. Thánh địa cờ tướng là phải nói đến góc Sư Vạn Hạnh – Bà Hạt. Nơi đây là Long đầm Hổ đủ mặt cao thủ, từ danh thủ Trần Quới tới Hài Chảy – Trịnh A Sáng, Xíu Chảy – Trương A Minh, Tiều Chuối – Trần Đình Thủy, Tiều Nam Vang – Hứa Kim Thành, Quỷ Kiến Sầu – Lê Thiên Vị, Thiết Chưởng – Trịnh Mỹ Linh, Thuận Pháo Vương – Phạm Tấn Hòa, Thập Tam – Dương Nghiệp Lương …
Khu Sài Gòn – Chợ Lớn
Phải nói làng cờ khi ấy chỉ có Trần Quới được các danh thủ cờ tướng phong cho là đại tướng hay nhất Sài Gòn – Chợ Lớn thời bấy giờ kể cả Mai Thanh Minh và Nguyễn Văn Xuân còn phải dưới một bậc về trình độ, Mai Thanh Minh từng tâm sự đánh các giải thành phố gặp Trần Quới 15 lần 9 thua 6 huề chưa ăn 1 lần.
Khi Trần Quới quyết tử chưa thua ai bao giờ. Kỳ nghệ Trần Quới tuyệt diệu ở chỗ khi ưu thế thì nhất định thắng, khi thất thế thì nhất định huề, đối thủ không cách gì khuếch trương được ưu thế đó lên để chiến thắng. Hai nữa Trần Quới có một trực giác vô cùng bén nhạy trước những bẫy rập, có thể thế trận đó Trần Quới chưa hề biết qua nhưng rất khó lôi Trần Quới vào cuộc, luôn luôn né từ rất xa và đi những nước chờ rất hay. Còn Nguyễn Văn Xuân chỉ thắng được Trần Quới 2 lần : lần thứ nhất tại giải Mừng Xuân 1981 tại Quận 5, lần thứ hai là giải khu vực phía Nam 1985 tại CLB Phan Đình Phùng.
Sòng cờ Lữ Gia quận 11
Thập niên 20xx, nhộn nhịp và sôi nổi nhất là sòng cờ Lữ Gia quận 11 được ví như “long đàm hổ huyệt” là nơi tụ hội của các cọp – beo – sư tử cao thủ mạnh nhất thời bấy giờ như Nguyễn Văn Xuân, Trềnh A Sáng, Trương A Minh, Đào Quốc Hưng, Nguyễn Thành Bảo, Nguyễn Vũ Quân … đầy đủ trình độ cao thấp, ai muốn giao lưu học cờ thì cứ đến Lữ Gia là có kèo. Lại Lý Huynh, Võ Minh Nhất … trước khi trở thành nhà vô địch quốc gia cũng phải thử lửa trãi qua bao trận sát đấu tại sới cờ Lữ Gia.
Vào thập niên 90, sau khi Trần Quới mất đi thì phong trào kỳ đài mở ra rầm rộ quy tụ rất nhiều danh thủ các miền cả nước đến giao lưu học hỏi như kỳ đài Âu Cơ – Lãnh Binh Thăng – Quận 11, kỳ đài Vọng Các – Quận 5, kỳ đài NVH Thanh Niên – Quận 1 …vv… Những kỳ đài đó đã góp phần phát triển phong trào chơi cờ rộng khắp thu hút đủ mọi tầng lớp từ các em học sinh, sinh viên đến những tầng lớp lao động khác giúp cho thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm cờ tướng mạnh nhất cả nước.
Theo: Thừa Tướng
0 bình luận